Việc Mỹ hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn theo Luật Nông nghiệp 2014 (Farm Bill) lẽ ra là tin cực vui với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhưng điều bất ngờ là, nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra hụt hẫng, lo lắng.
Lo cảnh bát nháo tiếp diễn
Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua quyết định hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn Việt Nam. Khả năng rất cao là quyết định này cũng nhận được sự đồng ý của Hạ viện và Tổng thống Mỹ. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ bớt gánh nặng phải làm thủ tục giám sát, chứng nhận theo quy định của Farm Bill.
Thế nhưng, thật bất ngờ, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều DN, hiệp hội lại tỏ ra lo lắng khi nhận được tin vui.
Việc Mỹ bỏ các rào cản giám sát cá da trơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí. Ảnh: Đức Thanh
TS. Nguyễn Việt thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay: “Tôi không trả lời được câu hỏi Mỹ bỏ giám sát cá da trơn là có lợi hay không có lợi”.
Theo Hiệp hội Cá tra, Mỹ luôn là thị trường dẫn đầu của cá tra xuất khẩu nước ta, song khó khăn lớn nhất hiện nay là thuế chống bán phá giá cá tra của Mỹ, chứ không phải Farm Bill. Thực tế, Farm Bill gây tốn kém, khó khăn cho DN, song có mặt tích cực là tạo sức ép cho DN và người dân trong nâng cao chất lượng cá tra.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp cá tra lớn cho hay: “Hiện nay, sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra rất nhộm nhoạm. Tôi đã kỳ vọng việc Mỹ áp dụng Farm Bill sẽ khiến doanh nghiệp, người nuôi biết sợ mà đưa sản xuất vào quy củ. Thế nhưng, với khả năng bỏ Farm Bill, tôi e rằng, cảnh bát nháo sẽ tiếp diễn”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trước mắt, việc Mỹ bỏ các rào cản giám sát cá da trơn sẽ giúp DN tiết giảm được chi phí, thủ tục xin chứng nhận. Tuy nhiên, về lâu dài, quy định của Farm Bill cũng là sức ép để sản xuất cá tra Việt Nam tiến tới chuyên nghiệp hơn, bởi Farm Bill nhắm tới mục đích nuôi bền vững.
“Farm Bill có những quy định gây khó cho Việt Nam vì điều kiện Việt Nam và Mỹ là hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi phải đàm phán, chứ không thể áp dụng rập khuôn. Tuy nhiên, về cơ bản, Farm Bill không phải là những gì quá xa lạ và hầu hết DN sản xuất nghiêm chỉnh, được cấp các chứng chỉ sản xuất tốt ở nước ta đều có thể đáp ứng. Thực tế, Farm Bill giống như rào cản ép chúng ta phải cố gắng để nhảy qua. Nhưng nếu sức ép không còn, có thể sức ỳ lại xuất hiện”, TS. Phạm Anh Tuấn cảnh báo.
Xuất khẩu cá tra: đem vàng đổ ra biển
Mang về khoảng 1,6 tỷ USD mỗi năm, cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của nước ta. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là, dù “một mình một chợ” trên thế giới, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, song cá tra nước ta nhiều năm qua luôn bị ép giá và luôn bị gán mác sản phẩm chất lượng thấp.
Theo phản ánh của các hiệp hội, DN, không phải Farm Bill hay thuế chống bán phá giá, mà điều đáng lo nhất của ngành cá tra là yếu tố nội tại.
“Liên kết giữa các DN trong ngành cá tra hiện rất kém. Trước khi tham dự một hội chợ, xuất khẩu sang thị trường nào đó, DN đều ngồi với nhau để thống nhất giá sàn, thế nhưng, vừa ký cam kết giá sàn, DN vừa đua nhau phá giá, có những DN không bao giờ thực hiện cam kết. Mấy năm gần đây, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, thậm chí 1 năm nữa Trung Quốc có thể đuổi kịp thị trường Mỹ. Khi đó, nếu DN vẫn chưa bắt tay nhau để thực hiện cam kết về giá sàn, thì giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam còn xuống nữa”, ông Nguyễn Việt Thắng cảnh báo.
Được biết, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang đề nghị tập hợp từng nhóm DN cho từng thị trường xuất khẩu để đưa ra cam kết thống nhất về giá. DN nào phá vỡ cam kết sẽ bị “bêu tên” công khai.
Liên quan vấn đề trên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay: “Khi tôi đi bán tôm, làm việc với khách hàng, khách hàng có nói, cá tra của Việt Nam rất ngon, mềm, thịt trắng, người châu Âu, châu Mỹ rất thích, nên giá 10 USD/kg vẫn rẻ, thế nhưng, chúng ta chỉ bán dưới 3 USD. Thế nên, có khách hàng nói rằng, cách bán cá tra của Việt Nam giống như đem vàng đổ ra biển”.
Cũng theo phản ánh của nhiều khách hàng, dù cá tra của Việt Nam giá rẻ, song nhà nhập khẩu cũng khó kiếm lời. Lý do là, một nhà nhập khẩu sang Việt Nam đàm phán mua cá tra với giá 4 USD/kg, nhưng mới về đến nửa đường thì nhà nhập khẩu khác lại đàm phán được với giá 3 USD/kg. Cứ như vậy, sự loạn giá đã khiến nhiều nhà nhập khẩu phải ngậm đắng.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo phân tích của giới chuyên gia, là do quan hệ cung - cầu. Cụ thể, trước đây, sản lượng cá tra Việt Nam ở mức thấp, được bán với giá cao, người dân và DN cực kỳ có lãi. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đua nhau nuôi cá tra, khiến sản lượng tăng vọt. Cung tăng quá nhanh, trong khi thị trường mở không kịp, khiến DN đua nhau phá giá. Đáng lo là, khi lợi nhuận giảm, sản xuất cá tra trong nước lại chuyển sang giai đoạn làm hàng kém chất lượng để... bù đắp lợi nhuận!
Một nguyên nhân khác là chi phí đầu tư nhà máy chế biến cá tra không lớn, công nghệ không quá phức tạp như tôm, nên nhiều hộ nuôi cá cũng đầu tư nhà máy, cạnh tranh với DN. Tuy nhiên, do không đầu tư bài bản, nên sản phẩm của các nhà máy này chất lượng thấp và phải buộc bán phá giá để cạnh tranh.
Thùy Liên / baodautu.vn