Hiện nay, mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, với lượng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc.
Theo Bộ NN&PTNT: Thời gian qua, nhu cầu và nguyên liệu cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp ô tô của Trung Quốc tăng nhẹ. Giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường này 7 tháng đầu năm tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu cao su hiện ổn định ở mức 10.400 NDT/tấn.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ đang là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cao su sang Ấn Độ lại giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 8, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến trái chiều khi cao su SVR 3L giảm, còn cao su SVR10 lại tăng nhẹ.
Cụ thể: cao su SVR3L giảm từ 30.100 đ/kg (1-8) xuống còn 28.800 đ/kg (ngày 17-8); trong khi cao su SVR10 tăng từ 26.100 đ/kg lên 27.500 đ/kg. Giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước diễn biến tăng tích cực, từ 6.720 đ/kg lên 7.040 đ/kg và hiện là 7.360 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Trên thực tế, hiện nay không chỉ riêng cao su mà nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam như gạo, chè, sắn… đều khá “dựa dẫm” vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu là chỉ cần Trung Quốc ngừng hoặc hạn chế thu mua là ngay lập tức các sản phẩm rơi vào cảnh lao đao. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dễ rơi vào tình trạng bị o ép về giá cả…
Bởi vậy, mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng, song các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cao su nói riêng, những mặt hàng nông sản khác nói chung cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hướng tới các thị trường tiềm năng nhưng ổn định khác.
Theo Thanh Nguyễn
Báo hải quan