Khác với sự ảm đạm trong suốt hai năm 2014, 2015 khi kim ngạch XK cả năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước đó, năm nay, dù không có sự đột phá mạnh, song XK chè đã ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc khi tăng trưởng tích cực hơn cả về khối lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Pakistan hiện vẫn là thị trường NK chè lớn nhất của Việt Nam
Khấp khởi với Hoa Kỳ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Lũy kế 11 tháng đầu năm, khối lượng XK chè đạt 118 nghìn tấn và 197 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm, khối lượng chè XK sang Pakistan, thị trường lớn nhất của Việt Nam với 33,5% thị phần tăng 1,8% về khối lượng nhưng giảm 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường có giá trị XK chè tăng mạnh là Trung Quốc (gấp 2,09 lần), Indonesia (gấp 2,01 lần) và Malaysia (tăng 44,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ NN&PTNT: Tại thị trường trong nước, thị trường chè nguyên liệu Thái Nguyên và Lâm Đồng trong tháng 11 tiếp tục duy trì ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô hiện vẫn ở mức 100.000 đ/kg; chè cành chất lượng cao 180.000 đ/kg; chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) 130.000 đ/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 ổn định ở mức 7.500 đ/kg; chè nguyên liệu sản xuất chè đen 3.500 đ/kg. |
Nói về vấn đề XK chè, nhất là thị trường XK, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho biết: Năm nay, XK chè có sự thay đổi rõ rệt khi những tháng đầu năm không được thuận lợi, song về cuối năm, tính đến hiện tại có thể coi là tương đối tốt. XK khởi sắc ở nhiều thị trường. Điểm đáng chú ý là, năm nay ngành chè đã đạt được kết quả tích cực, chuyển sang đẩy mạnh đưa sản phẩm chè xâm nhập, tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ. Tại đây, chè Việt chủ yếu phát triển dòng sản phẩm cao cấp.
“Vấn đề nổi cộm khi XK chè sang Hoa Kỳ là khác với nhiều thị trường khác như EU chỉ đưa ra ngưỡng giới hạn dư lượng các hoạt chất tồn dư trong sản phẩm, Hoa Kỳ lại đưa ra 6 loại chất cấm hoàn toàn trong sản phẩm chè. Kết quả kiểm tra gần đây nhất trên sản phẩm chè cho thấy, chè Việt có chứa 2/6 chất bị cấm tại Hoa Kỳ. Để tháo gỡ vấn đề, hiện nay, Vitas đang kết hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cùng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thành lập các Tổ Bảo vệ thực vật. Theo đó, các nhà máy của DN thông qua hoạt động của Tổ Bảo vệ thực vật sẽ sàng lọc, bỏ các loại thuốc cũ chứa những chất bị Hoa Kỳ cấm ra, đưa vào các loại thuốc mới phù hợp hơn để người dân sử dụng”, bà Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, mô hình này đang được triển khai tại gần 20 DN chè nhưng kết quả một nửa tốt, một nửa chưa tốt. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng quản lý thị trường thuốc bảo vệ thực vật hiện nay còn khá nhiều bất cập. Không ít loại thuốc bán ra, trên nhãn mác ghi không chính xác thành phần, hoạt chất có bên trong. Có những trường hợp, nhãn ghi không có chất bị cấm, song khi mẫu thuốc được đem đi kiểm tra lại phát hiện có chứa chất bị cấm. “Để giúp ngành chè thuận lợi hơn trong XK sang thị trường Hoa Kỳ, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải đẩy mạnh khâu quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, ở khâu xúc tiến thương mại, đối với mặt hàng chè, Vitas đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung chính vào thị trường Hoa Kỳ. Các chương trình xúc tiến thương mại sang Hoa Kỳ, cho phép đại diện ngành chè được tham dự”, bà Hồng nhấn mạnh.
Thấp thỏm cùng Trung Quốc
Ngoài Hoa Kỳ, thời gian qua, XK chè cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực ở nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc). Theo bà Hồng, ASEAN ngày càng trở thành thị trường quan trọng của ngành chè. 5 năm trở lại đây, Indonesia, Malaysia, Singapore là ba quốc gia NK luôn đứng trong “top” 10 của ngành chè. Đặc điểm của thị trường này là chia ra nhiều cấp độ. Ví dụ, Indonesia chuyên NK chè cấp thấp còn hai quốc gia còn lại chuyên NK chè cấp cao. Trong ba quốc gia này chỉ có Indonesia thực sự tiêu thụ chè nhiều. Hai quốc gia còn lại phần lớn là thị trường trung chuyển chè đi nước khác. Ngoài ba thị trường kể trên, thị trường mới nổi trong khối ASEAN có Thái Lan cũng mua nhiều chè của Việt Nam.
“Thị trường hàng đầu trong XK chè của Việt Nam là Pakistan hiện vẫn duy trì sự ổn định. Đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), khoảng một năm trước gặp khá nhiều khó khăn vì vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì đến nay cũng đã được giải quyết. Sau quá trình làm việc của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), phía Đài Loan đã nâng mức dư lượng tồn dư cho phép lên, thay vì mức rất thấp trước đó, giúp khơi thông XK chè, đặc biệt là chè nhài sang thị trường này”, bà Hồng nói.
Trung Quốc cũng là thị trường lớn, quan trọng hàng đầu trong XK chè của Việt Nam ghi nhận sự khởi sắc trong năm nay. Tuy nhiên, Vitas nhìn nhận còn nhiều lo âu, thấp thỏm khi XK chè sang quốc gia “láng giềng” này. Nhiều năm qua, Trung Quốc NK chè không ổn định, năm mua rất nhiều, năm mua rất ít. Năm nay, “kịch bản” cũng tương tự khi đầu năm có những mặt hàng gần như thị trường này không mua, tuy nhiên đến cuối năm lại mua ồ ạt. Xu thế tiêu thụ của thị trường Trung Quốc rất khó nắm bắt.
Bà Hồng cho biết: Đặc điểm của thị trường Trung Quốc, chè là sản phẩm có thể mua và tích trữ lại cho nên Vitas luôn xác định đây là thị trường quan trọng, không thể bỏ qua dù từ trước tới nay, chè hầu như chỉ XK tiểu ngạch sang Trung Quốc. Muốn XK chính ngạch cũng không thể thực hiện được bởi Trung Quốc vẫn có lệ, nhiều sản phẩm mua từ Việt Nam nói chung, chè nói riêng luôn để cho các tỉnh biên giới Việt Nam đứng ra mua. Nếu DN XK có ký hợp đồng mua bán với các đối tác tận Bắc Kinh, Thượng Hải thì khi đàm phán trực tiếp, phía đối tác cũng lại đưa ra các rào cản gây khó dễ khiến giao dịch không thành, trong khi vẫn sản phẩm đó XK tiểu ngạch lại suôn sẻ. “Từ thực tế này, theo Vitas, riêng trong vấn đề XK chè sang Trung Quốc, việc XK tiểu ngạch cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có chiến lược riêng để đảm bảo sự ổn định trong XK cũng như lợi ích của các DN”, bà Hồng nhấn mạnh.
Theo Báo Hải quan