Thay vì bán phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, da cá tra Việt Nam đã tìm đường xuất khẩu sang Singapore với giá trị cao.
Da cá tra sau khi chế biến thành snack. |
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp cho biết, nếu trước đây da cá tra chủ yếu bán phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi thì mới đây sản phẩm của đơn vị này được doanh nghiệp ở Singapore đề nghị mua làm sản phẩm ăn liền (snack).
“Cách đây 4 tháng, nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đề nghị chúng tôi cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn. Sau quá trình khảo sát, đối tác Singapore đã ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty”, ông Giang nói và cho hay nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 - 8.000 đồng một kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng một kg. Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230gram.
Hiện mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50-60 tấn da cá. Qua 2018, công ty sẽ mở rộng nhà máy để nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi cung không đủ cầu. Tuy nhiên, để xuất được, da cá phải đảm bảo các chứng nhận an toàn về vệ sinh thực phẩm quốc tế, không có các dư lượng về thuốc bảo vệ thực vật, hóa học.
Da cá tra là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu collagen và gelatin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà máy ở Việt Nam chưa thể tận dụng nguyên liệu này để sản xuất sản phẩm ăn liền. Để đón đầu xu hướng, ngoài xuất khẩu, sắp tới Cỏ May sẽ nghiên cứu khẩu vị, cách tẩm ướp của các nước như Singapore, Malaysia, châu Âu, Việt Nam để chế biến ra sản phẩm phù hợp và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm snack từ da cá tra đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Giang cũng cho biết, để có 35 tấn phi lê cá tra thì cần có 100 tấn nguyên liệu đầu vào. Trước đây, các phụ phẩm như da, đầu, vây, bao tử, bong bóng của cá đa phần bán để làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, ngoài doanh nghiệp Cỏ May thu được giá trị cao từ da cá tra nhờ xuất khẩu, thì trong nước, mới chỉ có Vĩnh Hoàn xây nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất 2.000 tấn một năm. Kết thúc quý I/2017, doanh thu từ collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn đạt 700.000 USD. Doanh thu năm ngoái của mảng này khoảng 1 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng lên 5 triệu USD năm nay.
Cỏ May ra đời năm 1986 với việc sản xuất xà bông, nhưng đến 1990 vì gặp khó nên ngừng sản xuất mặt hàng này và chuyển sang kinh doanh lương thực. Ngoài sản xuất gạo cho thị trường trong nước và Singapore, công ty còn trồng nấm, chế biến cá tra…
Thi Hà / VnExpress