Xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể hồi phục nhanh trong nửa cuối năm 2021 nhờ vắc-xin được tiêm rộng rãi tại các thị trường chính yếu.
Kỳ vọng hồi phục xuất khẩu vào nửa cuối năm của ngành dệt may là có cơ sở. Ảnh: Đức Thanh
Đo khả năng hồi phục
Kịch bản xuất khẩu dệt may có thể vượt ngưỡng 40 tỷ USD từ năm 2020 đã bị đảo lộn hoàn toàn bởi “cơn ác mộng Covid-19” lan rộng trên toàn cầu và càng nặng nề ở những khu vực là thị trường trọng yếu của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… Vì vậy, thay vì đạt mục tiêu 40-42 tỷ USD, xuất khẩu toàn ngành dệt may chỉ dừng ở mức 35,2 tỷ USD, thấp hơn gần 4 tỷ USD so với thực hiện năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, với giá cả tương đối rẻ. Điều này có thể nhìn thấy từ thực tế các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản..Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas
Tuy nhiên, khi vắc-xin Covid-19 đang được triển khai tiêm tại nhiều quốc gia tiêu thụ lớn hàng dệt may, ngành hàng này được dự báo có triển vọng hồi phục ngay trong năm 2021. Nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi và người tiêu dùng ở các quốc gia sau hơn một năm hạn chế chi tiêu, sẽ có nguồn tài chính để tăng tiêu dùng cá nhân.
“Tôi cho rằng, có khả năng cao kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 bằng con số đạt được năm 2019. Với tình hình tiêm vắc-xin và tiến tới miễn dịch toàn cầu, thì trong 6 tháng cuối năm, thị trường chắc chắn có những tín hiệu lạc quan hơn”, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo.
Kỳ vọng hồi phục vào nửa cuối năm của ngành dệt may càng có cơ sở bởi theo đặc thù ngành, nhóm mặt hàng thời điểm này là hàng thu - đông có giá trị cao. Ngoài ra, một tín hiệu khác tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp dệt may là xuất khẩu của ngành duy trì đà tăng trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý là, lượng xuất khẩu vào Mỹ tăng tới 8%, chiếm 41% trong tổng lượng xuất khẩu của ngành. Theo ông Trường, trước kia, xuất khẩu dệt may sang Mỹ thường chiếm 48-50%, nhưng Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường lớn thứ 2, ngang EU trong tỷ trọng xuất khẩu của ngành, đều chiếm 10%. Quan trọng là, nhóm hàng xuất tăng mạnh sang Trung Quốc là sợi và may mặc, thì ngành dệt may Việt Nam khá tự tin về năng lực sản xuất.
Các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng, xuất khẩu sẽ tăng lên tại thị trường Mỹ trong thời gian tới. Lý do là, chương trình hỗ trợ rất lớn của nước này cho các doanh nghiệp và người dân với gói hỗ trợ lên tới 1.900 tỷ USD sẽ kích cầu tiêu dùng rất đáng kể với nhiều nhóm hàng hóa, trong đó có dệt may.
Tín hiệu từ đơn hàng
Những tháng qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG có kết quả kinh doanh khởi sắc. Doanh thu tháng 1/2021 của Công ty đã tăng 24% so cùng kỳ năm 2020; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt và vượt 14% so cùng kỳ. “Công ty có đơn hàng ổn định cho đến hết quý II và đang thực hiện đàm phán chi tiết các đơn hàng quý III/2021”, đại diện TNG cho hay.
Mảng sợi, vốn có năng lực cung ứng trên 4 tỷ USD/năm, nhưng chịu nhiều thiệt hại trong năm 2020, cũng đã có những tín hiệu khả quan hơn. Theo ông Lê Ngọc Thanh, Phó giám đốc Chi nhánh sợi Vinatex Nam Định, tình hình sản xuất và bán sợi của Chi nhánh đã tốt dần lên từ tháng 12/2020, tuy giá bông đang cao. Doanh nghiệp này đã có hợp đồng xuất khẩu sợi đến hết tháng 5/2021.
“Quý I/2021, Chi nhánh Sợi Vinatex Nam Định có thể đạt hơn 5 tỷ đồng lợi nhuận và nếu thị trường không có biến động, trong quý II/2021, lợi nhuận có thể tăng từ 1,5 đến 2 lần so với quý I. Số lợi nhuận này tạm bù đắp một phần cho khoản lỗ triền miên suốt hai năm qua”, ông Thanh kỳ vọng.
Bà Trần Thị Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Phú Bài cho hay, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 5/2021. Doanh nghiệp có thể ký đơn hàng xa hơn, nhưng chưa muốn ký thêm do giá thị trường còn đang có những diễn biến mới.
“Trong bối cảnh thị trường còn chịu nhiều biến động do dịch bệnh, doanh nghiệp phải cân đối giá bán trong các đơn hàng xuất khẩu với giá bông để đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Doanh thu từ kinh doanh sợi của Phú Bài trong quý I/2021 tạm tính đạt 192 tỷ đồng và doanh thu quý II/2021 dự kiến đạt 218,5 tỷ đồng”, bà Chi cho biết.
Dù thị trường 2 tháng đầu năm chuyển biến khả quan hơn, nhưng qua một năm chịu đựng đại dịch và lệnh đóng cửa, thế giới đã hoạt động trở lại theo cách thức mới. Theo đó, xu thế tiêu dùng các mặt hàng may mặc không còn như trước, đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến để tiếp nhận đơn hàng, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu.
Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng này sẽ có sự phục hồi nhất định, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam. Do đó, “năng nhặt chặt bị” với các đơn hàng quần áo cơ bản để có doanh thu, chuẩn bị tốt cho thời điểm thị trường đi lên đã và đang được các doanh nghiệp dệt may áp dụng triệt để.