Mặc dù chiếm tới 16% tỷ trọng XK nhưng ngành dệt may chưa thực sự có nền tảng vững chắc, khi phần lớn vẫn sản xuất gia công và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nâng cao năng lực nội tại, hướng tới giá trị cốt lõi là giải pháp được chuyên gia khuyến cáo nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh cho ngành.
Hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, quý I/2017, ngành dệt may Việt Nam đã XK 5,6223 tỷ USD giá trị hàng hóa, tăng 10% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với trên 2,721 tỷ USD, Nhật Bản trên 715 triệu USD, Hàn Quốc trên 617 triệu USD… Đặc biệt 2 tháng đầu năm, tỷ lệ thặng dư trong XK của ngành đạt tới 50%, cho thấy chiến lược đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa thị trường XK đã có hiệu quả.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho hay: Năm 2016, XK dệt may chỉ đạt mức tăng trưởng 9,2% nhưng năm 2017 sẽ khả quan hơn với mức tăng trưởng dự kiến từ 13-14%. Hiện nhiều DN đã có đơn hàng đến hết tháng 8. Công ty CP Thúy Đạt đủ đơn hàng cho sản xuất đến hết quý II, trong đó chủ yếu là đơn hàng XK sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt - cho biết: Hợp đồng đã ký đến giữa năm nên hoạt động sản xuất, XK của DN có chiều hướng suôn sẻ. “Doanh số từ lượng đơn hàng đã ký dự kiến tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và mục tiêu tăng trưởng 20-22% năm 2017 là trong tầm tay” - ông Châu tự tin chia sẻ.
Dệt may là một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK cả nước. Tuy nhiên, ngành vẫn được đánh giá là chưa phát triển bền vững do phần lớn sản xuất gia công, phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng chưa cao. Cùng với đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới kéo theo sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Theo đại diện Vitas, để thích ứng được, DN cần nâng cao vai trò quản lý, bảo đảm 3 yếu tố: Giá cả cạnh tranh, chất lượng là số một và thời gian giao hàng không được chậm trễ.
Ngành dệt may cũng cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, dần hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm theo hướng ODM (thiết kế, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng). Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, đầu tư có lựa chọn, tránh dàn trải. Đồng thời, gắn công tác thị trường với việc bổ sung nhanh năng lực sản xuất trong ngắn hạn, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do khác. Chú trọng tới thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Trong 3 năm gần đây, một số DN như May 10, Việt Tiến, Phong Phú, Đức Giang, Nhà Bè... đã và đang xây dựng các chiến lược thâm nhập thị trường thế giới bằng chính thương hiệu của DN. |
Việt Nga / baocongthuong