Xuất khẩu 8 tháng chỉ bằng một nửa mục tiêu đề ra cho cả năm, nhưng một số phép so sánh nhìn từ góc độ quốc tế đang đặt ra những vấn đề đáng quan tâm khác cho dệt may Việt Nam...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2016, xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 15,64 tỷ USD, tăng 5,5% (tương đương tăng 812 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015, nhưng chỉ bằng 52% mục tiêu 30 tỷ USD đặt ra cho cả năm 2016. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khó tìm đơn hàng xuất khẩu trong các tháng cuối năm do bất lợi về tỷ giá và chi phí sản xuất. Sự kiện Brexit cũng được đánh giá là gây bất lợi cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Những phép so sánh ít được nhắc tới
Thị phần tại các thị trường xuất khẩu chính
Xét về thị phần thì Việt Nam đứng thứ 3, với 4,9% giá trị dệt may nhập khẩu trên thế giới năm 2015, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 7,64 tỷ USD, tăng 4,5%; sang EU đạt 2,38 tỷ USD, tăng 5,1%; sang Nhật Bản đạt 1,88 tỷ USD, tăng 6,4%; sang Hàn Quốc là 1,39 tỷ USD, tăng 15,7%….
Làm một cuộc khảo sát thị phần dệt may của Việt Nam tại các thị trường chính trong năm 2016, có thể thấy tình hình có phần sáng sủa hơn. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của WTO, thị phần dệt may Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc tăng từ 20,08% năm 2015 lên 25,05% trong 7 tháng của năm 2016, tại Nhật Bản tăng từ 9,8% lên 10,63%, tại Hoa Kỳ tăng từ 13,1% lên 14,3%, tại Anh tăng nhẹ từ 1,58% lên 1,79% bất chấp sự kiện Brexit. Riêng tại Đức, số liệu thống kê đến tháng 5/2016 cho thấy, thị phần giảm nhẹ từ 1,66% xuống 1,34%.
Nhu cầu của thế giới
Nếu làm tiếp một phép so sánh nữa có thể thấy kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 7 tháng năm 2016 đạt 57,46% tổng kim ngạch năm 2015, nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của các nước đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thì đều thấp hơn, chỉ lần lượt đạt mức 51,09%; 51,37% và 56,01% trong cùng giai đoạn. Điều này phần nào cho thấy mức sụt giảm chung của nhu cầu nhập khẩu trên thế giới và mục tiêu xuất khẩu 30 tỷ USD được đặt ra trong năm 2016 không được “ủng hộ” bởi các điều kiện khách quan, nếu không nói là quá cao so với điều kiện thực tế.
Vị trí trên bản đồ thương mại dệt may thế giới
Nếu nhìn về khoảng cách trung bình đến các nước nhập khẩu thì Việt Nam bất lợi hơn hẳn. Theo đó, khoảng cách trung bình của các nước xuất khẩu trên thế giới đến các nước nhập khẩu là 6.146km, của Trung Quốc là 7.348km, Bangladesh là 8.163km, còn Việt Nam thì tới 10.566km, gấp 1,72 lần mức trung bình của thế giới và gần 1,5 lần của Trung Quốc, nếu so với Thổ Nhĩ Kỳ thì gấp những 4,5 lần. Khoảng cách xa khiến hàng dệt may của Việt Nam phải chịu chi phí vận chuyển lớn hơn và làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Về mức độ tập trung của các thị trường nhập khẩu, các nước có chỉ số này cao hơn 0,18 được đánh giá là có mức độ tập trung cao hay đa dạng thị trường thấp. Số liệu từ ITC cho thấy, các nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ hay ngay cả Campuchia đều có mức độ tập trung thị trường thấp hơn hẳn mức 0,35 của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là mức độ phụ thuộc vào một số nhóm thị trường nhất định của họ thấp hơn so với Việt Nam.
Một phép so sánh đối với Campuchia, mặc dù thị phần trên thế giới hiện nay còn khiêm tốn so với Việt Nam, nhưng tại EU, Campuchia đang được hưởng ưu đãi thuế quan GSP dành cho các nước kém phát triển, trong khi Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đang phát triển, nên thị phần cao hơn so với dệt may của Việt Nam. Những năm gần đây, xuất khẩu dệt may của Campuchia tăng trưởng khoảng 7%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam, nhưng nước này vẫn đang có lợi thế hơn về giá nhân công và chi phí vận chuyển quốc tế.
Giải quyết bài toán giá trị gia tăng thay vì theo đuổi mục tiêu kim ngạch
Trong 8 tháng năm 2016, nhập khẩu vải các loại đạt gần 6,83 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu xơ, sợi dệt đạt 1,04 tỷ USD, tăng 3,2%, nhập khẩu bông các loại đạt 1,1 tỷ USD, giảm 2,9%. Như vậy, tính sơ bộ, nguyên vật liệu dệt may các loại đã lên tới khoảng 10 tỷ USD, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là phần giá trị tạo ra tại Việt Nam chỉ khoảng 30%, trong đó lợi nhuận thuộc về các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn so với các doanh nghiệp nội địa. Thực vậy, trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới 9,43 tỷ USD, tương đương với 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu vải, bông và nguyên vật liệu dệt may khác của nhóm doanh nghiệp này cũng đạt gần 6,9 tỷ USD. Như vậy phần giá trị gia tăng các doanh nghiệp FDI tạo ra tại Việt Nam chỉ khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó có lợi nhuận của họ.
Ngoài ra, nhìn từ cơ cấu thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may có thể thấy, trong các thị trường cung cấp vải các loại cho Việt Nam trong 8 tháng năm 2016, riêng Trung Quốc đã chiếm tới trên 52% với kim ngạch hơn 3,56 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 18,7% nhưng chỉ tăng 1,7%, thị trường Đài Loan đạt 975 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, một phần phản ánh sự di chuyển của hoạt động sản xuất từ nước này sang Việt Nam để hưởng các lợi thế về thuế và chi phí sản xuất, phần khác cho thấy phẩm cấp của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn chỉ ở nhóm “bình dân”.
Trong thời gian tới, thay vì chỉ theo đuổi mục tiêu kim ngạch, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam cần quan tâm thích đáng tới các mục tiêu về giá trị gia tăng, lợi nhuận ròng của Việt Nam, lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Một trong những nhiệm vụ cần làm là cơ cấu lại hệ thống chi phí và các phân khúc thị trường xuất khẩu để trực tiếp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị dệt may khu vực và toàn cầu.
Bảo Linh / ven.vn