Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do khủng hoảng kép về đơn hàng lẫn đơn giá, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) quan ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu cho cả năm 2016. Trước thực trạng đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã triệu tập một số doanh nghiệp lớn như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến, Phong Phú, Công ty Motives Việt Nam, AIG… nhằm tìm kế tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2016.
Chia sẻ thực tế ảm đạm của thương mại dệt may thế giới từ đầu năm 2016 đến nay, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, năm 2016, tình hình tiêu thụ sản phẩm dệt may trên thế giới rất khó khăn, thậm chí, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 2%. Tình hình này ảnh hưởng bất lợi đến dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
“Năm 2016 và 2017 là 2 năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây. Vì vậy, trong 6 tháng còn lại của năm 2016 và cả năm 2017, công tác thị trường cần phải được chủ động ở mức cao nhất”, ông Trường nói.
Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trên quy mô toàn cầu đã ngay lập tức tác động xấu đến ngành dệt may Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu dệt may của toàn ngành chỉ đạt 13,15 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả thị trường xuất khẩu vốn được kỳ vọng nhiều và có mức tăng trưởng cao trước đây là Mỹ cũng chỉ đạt 6,52 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 thừa nhận, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng đem lại lợi thế lớn cho ngành dệt may, nhưng đến nay chưa được phê chuẩn, trong khi những hiệu ứng bất lợi đã gây nhiều khó khăn cho các DN, như đối mặt hàng rào của các nước không nằm tham gia TPP, một loạt đơn hàng bị rút sang Campuchia, Lào, Myanmar…
Sự sụt giảm về xuất khẩu, đơn hàng “chảy máu” sang các quốc gia láng giềng có thể xem như một hồi chuông cảnh báo các DN dệt may về một bối cảnh cạnh tranh mới.
Chủ tịch HĐQT Vinatex, ông Trần Quang Nghị cho biết, DN trong nước đang trong trạng thái yếu và thiếu thị trường, khi bản thân họ chưa xây dựng được thị trường mạnh, chưa với tới các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.
“Nếu DN không nỗ lực tăng tốc, không có những giải pháp, giải bài toán về thị trường, thì sẽ trở thành DN cấp 2, chỉ làm thuê cho các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, ông Nghị khuyến cáo.
Ngoài “điểm nghẽn” về nguyên phụ liệu, phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu, vấn đề thị trường đang được cho là “nút thắt”, do các DN hiện nay làm thị trường còn tự phát, vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa, nhưng hoạt động còn manh mún, rời rạc, phụ thuộc nhiều vào trung gian.
Để ứng phó với tình hình đơn hàng sụt giảm và tìm giải pháp tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại năm 2016, đại diện Vitas cho rằng, các DN cần liên kết chặt chẽ về thị trường, nhằm hạn chế việc phá giá, triệt tiêu lẫn nhau. Vitas đặc biệt khuyến khích DN liên kết để chia sẻ đơn hàng trong điều kiện thiếu hụt và cầm cự qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cũng trong một nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm các khách hàng mới, một phái đoàn gồm 12 DN dệt may vừa có chuyến sang Mỹ để tham gia Hội chợ Magic Show, kết hợp khảo sát thị trường và tìm kiếm khách hàng.
Vượt qua những rào cản về chi phí đi lại, số lượng DN tham gia đoàn tham gia Hội chợ Magic Show đã tăng 20% với kỳ hội chợ năm ngoái. Đây được xem là nỗ lực của các DN trong việc tìm kiếm các nhà nhập khẩu mới, giảm dần xuất khẩu qua trung gian để giành thế chủ động cao hơn trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.
Thế Hải / baodautu.vn