Mặt hàng điện thoại và linh kiện đã đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh là sản xuất tại nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh -Ảnh minh họa: Hùng Lê
Dù bị ảnh hưởng lớn do sự cố thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn tăng cao.
Việc dòng điện thoại cao cấp Galaxy Note 7 phát nổ, buộc phải thu hồi và khai tử chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt đã tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh của tập đoàn điện tử Samsung. Samsung Electronics Vietnam – SEV (được biết đến với tên gọi là Samsung Bắc Ninh), một trong những công ty thành viên và là nhà máy chính sản xuất điện thoại của tập đoàn Samsung đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Samsung Electronics cho thấy, từ vị thế là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống trên toàn cầu, Samsung Bắc Ninh đã lỗ 146,5 tỉ won (tương đương với khoảng 3.000 tỉ đồng) trong quí 3. Doanh thu của doanh nghiệp này cũng bị giảm 30%, hơn 32.000 tỉ đồng, so với quí trước đó.
Theo giới phân tích, điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại của Việt Nam trong năm 2016.
Thế nhưng, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 11 đạt 3,27 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,5% so với tháng 10. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 11, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 31,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2015. Và tính đến giữa tháng 12, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 33,08 tỉ đô la Mỹ - một con số kỷ lục về xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam, cao hơn 3,76 tỉ đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, với chiều hướng xuất khẩu thuận lợi này thì khả năng kết thúc năm nay Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 34 tỉ đô la Mỹ mặt hàng điện thoại và linh kiện. Điều này cho thấy sự cố thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 trên toàn cầu không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam, dù hai tổ hợp của Samsung ở Việt Nam có xử lý và đóng gói cho dòng sản phẩm này.
Theo giới phân tích, mặc dù giá trị dòng sản phẩm Galaxy Note 7 lớn, nhưng do sự cố chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nên ảnh hưởng không đáng kể đến tình hình sản xuất kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu của Samsung tại Việt Nam trong cả năm 2016. Bên cạnh đó, ngoài Galaxy Note 7, hai tổ hợp của Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh còn sản xuất hàng loạt dòng sản phẩm điện thoại và thiết bị di động khác nữa.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay có thể thấy điện thoại các loại và linh kiện sẽ tiếp tục là mặt hàng mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam trong năm nay, vượt cả mặt hàng truyền thống lâu nay là may mặc hiện có mức tăng trưởng thấp hơn và dự báo khó đạt 29 tỉ đô la Mỹ như mục tiêu đề ra.
Theo Tổng cục Hải quan, các thị trường chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam trong 11 tháng năm 2016 là EU: 10,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,8% và chiếm 32,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này; Mỹ: 3,95 tỉ đô la Mỹ, tăng 52,7%; các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất: 3,59 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả xuất khẩu điện thoại ấn tượng nêu trên ít có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là từ bốn tổ hợp sản xuất điện thoại của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, gồm Samsung có hai tổ hợp ở Bắc Ninh và Thái Nguyên; Microsoft có một tổ hợp ở Bắc Ninh; LG có một tổ hợp ở Hải Phòng cùng các nhà cung cấp linh kiện nước ngoài xây nhà máy sản xuất cung ứng cho các tổ hợp này. Trong năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện điện thoại của Việt Nam đạt 30,18 tỉ đô la Mỹ, tăng 27,9% so với năm 2014. |
Hùng Lê / TBKTSG