Sản lượng điều năm 2015 - 2016 giảm mạnh, chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu chế biến xuất khẩu của các DN, DN buộc phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu điều.
Chủ động nguồn nguyên liệu điều trong nước mới bảo đảm xuất khẩu
Trong 9 tháng đầu năm 2016, các DN đã xuất khẩu 255 ngàn tấn điều nhân, mang về 2,01 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá điều xuất khẩu bình quân đạt 7.827 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Hà Lan, Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm lần lượt là 33,6%, 13,7% và 13% tổng giá trị xuất khẩu điều.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng chú ý: Giá điều thô trong nước liên tục tăng. Vào thời điểm đầu năm 2016, điều thô được các đại lý mua với giá 39.000- 40.000 đồng/kg, đến nay đã tăng 9.500-10.000 đồng/kg và đạt mức 50.000 đồng/kg vào cuối tháng 9/2016 - mức cao nhất từ nhiều năm trở lại đây. Trong khi các nhà máy đang khan hiếm nguyên liệu nhưng nông dân không còn điều dự trữ.
Đại diện Hội điều Bình Phước cho biết, theo thông lệ, quý cuối năm, nhu cầu hạt điều thế giới tăng mạnh đặc biệt vào dịp Giáng sinh. Như vậy, giá điều thô sẽ khó có cơ hội giảm.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), giá điều thô tăng cao chủ yếu do diện tích điều giảm cùng với hạn hán xảy ra nghiêm trọng khiến năng suất, sản lượng điều giảm mạnh. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà xảy ra tại nhiều quốc gia trồng điều khác. Mất mùa cùng với việc cạnh tranh gay gắt nguyên liệu giữa các DN Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà đã đẩy giá điều thô tăng lên 1.600 USD/tấn (năm 2015 chỉ có 1.200 - 1.350 USD/tấn).
Năm nay, sản lượng điều của Việt Nam chỉ đạt gần 400 ngàn tấn, giảm hơn 30% so với vụ điều năm trước. Trong khi đó, công suất chế biến của hơn 300 DN chế biến, xuất khẩu điều trên cả nước lên đến gần 1,3 triệu tấn. Nguồn cung nội địa khan hiếm, khiến các DN phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu để sản xuất. Ước tính, năm 2016, các DN phải nhập khẩu khoảng 870.000 tấn hạt điều thô. Riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập 808.000 tấn điều thô, giá trị ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8% về lượng, 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas - cho biết, nếu không có chính sách phát triển bền vững cây điều thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia chuyên nhập điều thô để chế biến, xuất khẩu, khiến ngành điều hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Để tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, lãnh đạo Hội Điều Bình Phước khẳng định, Việt Nam phải chủ động nguồn nguyên liệu điều trong nước mới bảo đảm xuất khẩu điều bền vững. Với 300.000 ha điều hiện nay, nếu tăng năng suất 2 tấn/ha thì đã có khoảng 600.000 tấn điều thô.
TS. Nguyễn Như Hiến -Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- lưu ý, để ngành điều phát triển bền vững, các DN cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với nông dân để có nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định. Các địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều, từ đó kết hợp với DN để hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng điều thô.
Theo Vinacas, dự kiến năm 2016, Việt Nam chế biến và xuất khẩu khoảng 350 ngàn tấn điều nhân, kim ngạch trên 2,5 tỷ USD, giữ vững vị trí top đầu xuất khẩu điều nhân trên thế giới. |
Quỳnh Nga - Lan Anh / baocongthuong