Mặc dù xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ liên tục tăng qua các năm cán mốc 2 tỷ USD. Tuy nhiên, bài học lớn từ những vụ kiện chống bán phá giá thủy sản thời gian qua đang làm các nhà chuyên môn ngành xuất khẩu gỗ VN phải đắn đo.
Sản phẩm đô gỗ nội thất tại một hội chợ. Ảnh: TL
Theo báo cáo của Tổ chức Forest Trend, hiện nay, Mỹ là nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn và an toàn nhất về mặt pháp lý với gần 700.000 m³ gỗ quy tròn, chiếm gần 20% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ tất cả các nguồn vào VN hàng năm. Đồng thời, đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất cho ngành gỗ VN, với kim ngạch hàng năm lên tới trên 2 tỉ USD, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của VN, và tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, bình quân 10-15%/năm.
Chớ vội lạc quan
Tuy nhiên, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (Vifores) cho rằng, xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ có tiềm năng lớn nhưng đó vẫn là bức tranh màu hồng, chúng ta không nên lạc quan và vui mừng trước. Bởi lẽ, Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho các mặt hàng gỗ nội thất từ Trung Quốc, dao động trong khoảng 55 – 120% trong khi thuế xuất khẩu đối với Việt Nam gần như bằng 0%. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã dịch chuyển sản xuất sang VN để sản xuất trong thời gian qua. Còn chúng ta xuất khẩu nhiều gỗ sang thị trường Mỹ chính là “dồn hết trứng sang một giỏ”, kể cả khi TPP được thông qua tạo cơ hội tăng khả năng xuất khẩu gỗ. Nhưng có thể có một ngày nào đó, Mỹ sẽ áp dụng thuế chống phá giá lên mặt hàng gỗ. “Như vậy ngành công nghiệp gỗ của chúng ta sẽ bị nặng hơn cả ngành cá tra, ngành hàng dệt may rất nhiều” – ông Hoài cảnh báo.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất của xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ hiện nay là áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Bởi lẽ, xuất khẩu gỗ VN hiện đang có điểm bán phá giá là 6/8, đây là ngưỡng điểm an toàn nhưng với triển vọng phát triển như hiện nay, nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ là điều khó tránh đối với doanh nghiệp VN như những gì đã xảy ra với xuất khẩu thủy sản những năm gần đây- ông Hạnh.
Đại diện Tập đoàn Bảo hiểm AIG tại VN, cũng đã chỉ ra những rủi ro rất lớn cho DN khi tham gia vào thị trường Hoa Kỳ. Đó là phải chấp nhận rủi ro khi thanh toán trả chậm và có khi “mất trắng” khi đối tác mất khả năng chi trả. Trong quá trình vận chuyển, hàng hóa có thể mất mát hoặc hư hỏng và đến khi phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng vẫn sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn do luật pháp Hoa Kỳ có những quy định hết sức chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng – vị đại diện này chia sẻ.
Được biết, gần đây khi tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư mới của Trung Quốc có ý định đầu tư vào ngành này nhằm hưởng lợi từ TPP và Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA), Đại diện Vifores cho rằng, để tận dụng những ưu đãi khi TPP được thông qua, Trung Quốc đã mở rộng thị trường đầu tư xuất khẩu và hiện có dấu hiệu “lấn sân” tại thị trường VN. Nếu xét về tổng thể giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 47%, tuy nhiên khi tách riêng giá trị XK sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm nay, con số này lên tới 59% tổng giá trị XK (1,616 tỷ USD / 2,734 tỷ USD).
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Vifores cho rằng, trong tổng số 500 doanh nghiệp FDI thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm khoảng 1/3. Gần đây, nhiều nhà đầu tư mới của Trung Quốc có ý định đầu tư vào ngành gỗ nhằm hưởng lợi từ quá trình hội nhập của VN, đặc biệt là từ TPP. Mỗi năm Trung Quốc XK sang thị trường Mỹ khoảng 12 tỷ USD đồ gỗ, trong khi VN mới ở mức 2 tỷ USD. Có thể thấy, dư địa thị trường để XK sản phẩm gỗ từ VN sang Mỹ còn rất lớn nên các doanh nghiệp Trung Quốc mới chuyển hướng đầu tư. Bên cạnh đó, lý do quan trọng là hiện nay sản phẩm gỗ của Trung Quốc XK vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá rất cao nên đầu tư vào VN là bước tính kỹ lưỡng của các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm hưởng lợi từ việc miễn thuế khi các Hiệp định thương mại (FTA), nhất là TPP có hiệu lực. Bình Dương hiện là một trong những khu vực ghi nhận sự đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ thời gian gần đây – ông Quyền phân tích.
Giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu
Chớ vội lạc quan khi kim nghạch xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ tăng liên tục là điều mà giới chuyên gia trong ngành cảnh báo. Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế, thị trường Hoa Kỳ vẫn rất có triển vọng trong tương lai đối với ngành xuất khẩu gỗ VN, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt phải biết tận dụng lợi thế cạnh tranh của các thị trường để không bỏ trứng vào một giỏ, mãi chạy theo xuất khẩu mà quên đi thị trường nội địa.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các yêu cầu của thị trường xuất khẩu liên quan đến chất lượng lao động, thời gian, độ tuổi, môi trường lao động, tính đại diện của người lao động ngày càng khắt khe. Áp dụng hình thức hợp đồng lao động ngắn hạn có thể gây ra nhiều khó khăn rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp VN vẫn còn gặp nhiều rủi ro do thiếu thông tin về quy định của thị trường như các Đạo luật về buôn bán gỗ, các quy định về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Vì vậy, theo các DN, sắp tới khi TPP có hiệu lực, để giải quyết những rủi ro này, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang thị trường quốc tế, các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Ông Đặng Huy Thành – Đại diện Cty TNHH Tam Phát chuyên xuất khẩu ván ép cho rằng, muốn xuất khẩu trước hết các doanh nghiệp cần quan tâm đến các chứng chỉ vì đây là sân chơi quốc tế. Các DN phải có các chứng chỉ quốc tế và nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi khi hội nhập TPP xong, một số nước như Malaysia sẽ sản xuất ra dòng ván ép rẻ hơn hẳn VN, khi đó sản phẩm cùng loại của VN sẽ tụt lùi, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores bài toán khó khăn nhất hiện nay có lẽ là nguồn nguyên liệu. Gần đây, dù Bộ NN – PTNTđã định hướng những năm tới ngành gỗ sẽ sử dụng gỗ trong nước. Nhà nước sẽ đầu tư đề trồng rừng, đặc biệt sẽ để thời gian cây trồng lâu hơn để có gỗ nguyên liệu tốt hơn trong đó gỗ cao su là một nguồn nguyên liệu tốt được các thị trường rất ưu chuộng. Dẫu vậy, đầu tư của Nhà nước tới các doanh nghiệp thông qua các Quỹ hỗ trợ, cho doanh nghiệp vay để cải tiến công nghệ sản xuất, khuyến khích và tạo chuỗi liên kết giữa khâu trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ cũng là yếu tố rất quan trọng để thay đổi về chất trong ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong tương lai.
Mai Thanh / DĐDN