Việt Nam nên chủ động thiết kế các chính sách cần thiết và có lợi cho doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là với ngành bán lẻ và chế biến gỗ xuất khẩu.
Sáng nay, Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của Ngành chế biến xuất khẩu Gỗ và ngành Bán lẻ” đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế.
Các chuyên gia đã đồng loạt nêu thực tế, Việt Nam tuy đã có biện pháp để hỗ trợ các ngành kinh tế trong nước nhưng dường như vẫn còn có sự lúng túng nhất định, nên một số ngành xuất khẩu vẫn chưa có được sự hỗ trợ kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các ngành xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể là chế biến gỗ đang rất cần sự hỗ trợ về chính sách, phù hợp với tình hình thương mại mới trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia để phát triển lớn mạnh hơn.
Với kim ngạch xuất khẩu 6,9 tỷ USD trong năm 2015, xuất khẩu gỗ đã hoàn thành mục tiêu sớm 5 năm, nhưng ngành vẫn đang "khao khát" các chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững hơn.
Là ngành xuất khẩu về đích trước hẹn, chỉ tính riêng từ 2004 – 2014, kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng tới 6 lần, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trước 5 năm (2015 đạt 6,9 tỷ USD), trong khi mục tiêu đề ra, đến 2020 đạt hơn 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, đồ gỗ đang phải chịu sự rủi ro pháp lý rất lớn ở các thị trường xuất khẩu, về vấn đề xuất xứ nguyên liệu và câu chuyện tương lai xuất khẩu theo phương thức gia công hay để thu về giá trị gia tăng lớn hơn.
Cụ thể, về nguyên liệu từ 2016, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp, trong khi đó Việt Nam chưa có các hướng dẫn cụ thể. Doanh nghiệp gỗ dù năng động trong khai thác thị trường nhưng dường như chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho những rủi ro trong thời gian tới ở các thị trường xuất khẩu.
Thống kê sơ bộ từ Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL), tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt giá trị khoảng 467 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng quá nhỏ bé so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gỗ là rất lớn, nếu như có chính sách hỗ trợ phát triển năng lực sản xuất..
“Gỗ là đầu ra cho sản xuất lâm nghiệp, một ngành đã lớn mạnh rồi, nếu được hỗ trợ về chính sách sẽ phát triển lên ở tầm cao hơn, từ đó kéo theo các ngành phụ trợ cùng phát triển. Sự chủ động của DN sẽ là chưa đủ, cần sự thúc đẩy từ phía Nhà nước để khắc phục các rủi ro DN có thể gặp phải. Nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành gỗ, có thể thành tích của ngành gỗ có được trong quá khứ sẽ không còn tiếp diễn”, bà Trang nhấn mạnh.
Rà theo quy định trong Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (Hiệp định SCM của WTO), các cam kết trong khuôn khổ các FTA đã hoặc sắp có hiệu lực của Việt Nam trong Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Các rủi ro chính đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ trong bối cảnh hội nhập”, phần lớn đều không đề cập tới các vấn đề về hỗ trợ/trợ cấp, hoặc nếu có thì cũng không liên quan đến ngành đồ gỗ, do đó hầu như không có ảnh hưởng đến không gian chính sách hỗ trợ của ngành này.
Bởi vậy, theo ông Tô Xuân Phúc, thuộc nhóm chuyên gia xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Các rủi ro chính đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ trong bối cảnh hội nhập Dự án, Nhà nước không thể thực hiện trợ cấp cho xuất khẩu gỗ/sản phẩm đồ gỗ nhưng Nhà nước có thể thực hiện các biện pháp trợ cấp chung cho nhiều nhóm đối tượng theo tiêu chí khách quan, trong đó có DN gỗ. Thêm nữa, Nhà nước cũng có thể thực hiện trợ cấp về nghiên cứu, đào tạo, cơ sở hạ tầng mà không bị hạn chế.
Vẫn theo TS Tô Xuân Phúc, các rủi ro chính đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ trong bối cảnh hội nhập”, cho rằng hạn chế của doanh nghiệp chế biến gỗ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là siêu nhỏ, chiếm tỷ lệ quá lớn.
Những DN chế biến gỗ khu vực năng động và phát triển nhất như vùng Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ nắm bắt nhanh xu thế và những quy định mới của thị trường thế giới, kể các quy định về tính pháp lý nguồn gốc gỗ, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ thiếu hiểu biết về các yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu.
Điều này đồng nghĩa với việc DN đối mặt với rủi ro, nhất là rủi ro về pháp lý trước những quy định nghiêm ngặt như Lacey hay FLEGT từ các thị trường Mỹ, EU. Theo đó, hệ lụy là chỉ cần một doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm sẽ tác động tiêu cực cho cả ngành xuất khẩu gỗ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự kiến, với nhiều yếu tố cung cầu thuận lợi cho ngành gỗ trong năm 2016, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ đạt 7,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2015.
Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, bài toán khó khăn nhất hiện nay có lẽ là nguồn nguyên liệu. Gần đây, dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng những năm tới ngành gỗ sẽ sử dụng gỗ trong nước. Nhà nước sẽ đầu tư đề trồng rừng, đặc biệt sẽ để thời gian cây trồng lâu hơn để có gỗ nguyên liệu tốt hơn trong đó gỗ cao su là một nguồn nguyên liệu tốt được các thị trường rất ưu chuộng.
Dẫu vậy, đầu tư của Nhà nước tới các doanh nghiệp thông qua các Quỹ hỗ trợ, cho doanh nghiệp vay để cải tiến công nghệ sản xuất, khuyến khích và tạo chuỗi liên kết giữa khâu trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ cũng là yếu tố rất quan trọng để thay đổi về chất trong ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong tương lai.
Thế Hải / baodautu