Xuất khẩu gạo của Việt Nam đầu năm 2016 sẽ ít bị áp lực bởi lượng gạo tồn kho từ 2015 chuyển sang thấp, trong khi lượng gạo đã được ký hợp đồng để giao trong quý 1-2016 cao hơn mọi năm, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).
Người dân ở một tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa.Ảnh: TL. |
Ngày 14-1, tại TPHCM, VFA đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và phương hướng năm 2016.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, sau khi cân đối cung cầu, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 dự kiến vào khoảng 6,5 triệu tấn, chưa kể mua bán qua biên giới với Trung Quốc. Con số này chênh lệch không đáng kể so với lượng gạo xuất khẩu năm 2015 là 6,568 triệu tấn.
Ông Năng cho biết, trong những năm trước, các hợp đồng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam trong quý 1 thường không nhiều nên các doanh nghiệp đều gặp khó về thị trường. Tuy nhiên, năm nay, trong quý 1 lại có tín hiệu tích cực khi hợp đồng xuất khẩu đã ký là 1,2 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước là 300.000 tấn.
Mỗi năm, thời đểm đầu năm, khi gặp khó về đầu ra các doanh nghiệp thường giảm lượng mua vào nên giá lúa vụ đông xuân thường xuống thấp vào giữa vụ, buộc Chính phủ phải đưa ra chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo bằng cách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của VFA lẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn như năm 2015. Tuy nhiên, giá bán và số lượng xuất khẩu như thế nào sẽ ít nhiều tùy thuộc vào diễn biến của hiện tượng thời tiết là El-Nino.
Những năm qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines và Indonesia (hai khách hàng lớn) đều bị tác động bởi các yếu tố thiên tai như bão, lụt ở hai quốc gia này. Sau thiên tai, hai quốc gia này thường nhập khẩu thêm một lượng gạo (từ vài trăm ngàn tấn đến một triệu tấn) để dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và bình ổn giá lương thực.
Thời gian qua, các nước trong khu vực thường xuyên gặp phải những diễn biến thời tiết bất thường vào nửa cuối năm. Vì thế, VFA dự báo, giá gạo sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2016.
Năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó về thị trường trong thời gian đầu năm, nhưng đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 6,568 triệu tấn với giá trị là 2,68 tỉ đô la Mỹ, tăng 4% về lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với năm 2014. Nguyên ngân là do giá bán trung bình chưa đến 408 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 34 đô la Mỹ/tấn so với năm 2014.
Theo VFA, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay vẫn là thị trường các nước châu Á. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện bộ đang làm việc với những cơ quan có liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi.
Ông Nam cho biết, châu Phi có một tỉ dân và có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm, và đây là loại gạo mà Việt Nam có thể cung cấp với mức giá hợp lý. Song, lâu nay, thị trường này vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp là do vướng mắc ở khâu thanh toán.
“Theo tôi, hằng năm Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn điều thô từ châu Phi, vậy nên chăng trong khi chưa có phương thức thanh toán tiền mặt hợp lý, các doanh nghiệp thử tính đến phương án dùng hàng đổi hàng, cũng là một giải pháp đáng tham khảo”, ông Nam nói.
Theo Ngọc Hùng - Saigontimes