Đã có không ít những kiến giải khác nhau trước việc nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long được mùa, trúng giá, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao nhưng lượng lại giảm mạnh. Tựu trung lại, về chủ quan, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường; còn khách quan thì nhu cầu dự trữ lương thực của thế giới tăng cao và giá gạo Thái Lan, Ấn Độ nhiều thời điểm cũng tăng vượt mức kỷ lục trong những năm gần đây. Nếu vậy, chúng ta hoàn toàn có thể “rung đùi” chờ đón kết quả khả quan trong những tháng tới. Thế nhưng...
Thế nhưng, e rằng tất cả chưa hẳn đã là như vậy, bởi những yếu tố sau:
Thứ nhất, không biết nhận định “nhu cầu dự trữ lương thực của thế giới tăng cao đã đẩy mặt bằng chung giá gạo thế giới tăng lên”(*) là dựa trên cơ sở nào, nhưng hai cơ quan có uy tín bậc nhất về lúa gạo của thế giới như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và FAO lại có những nhận định hơi khác.
Theo dự báo mới nhất của USDA cách đây chỉ ít ngày, kho gạo dự trữ của thế giới vào đầu năm vẫn rất đầy, đạt gần 178 triệu tấn, tuy chỉ tăng không đáng kể so với đầu năm ngoái, nhưng đã tăng mạnh hơn 14 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2019 và đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong khoảng 129-130 ngày. Rõ ràng, đây là kịch bản ngược lại so với giai đoạn kho gạo dự trữ thế giới rất vơi, chỉ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khoảng một nửa thời gian như vậy (64-68 ngày từ năm 2006-2009), còn nếu tính khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho tới 80 ngày thì kéo dài tới bảy năm (2005-2011), là giai đoạn sốt nóng giá gạo thế giới.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Ảnh: N.K
Không những vậy, USDA cũng cho rằng, diện tích lúa của thế giới năm nay tăng khá, dẫn đến sản lượng tăng 10 triệu tấn, chứ không phải là “giậm chân tại chỗ” như năm 2020.
Trong điều kiện như vậy, nhập khẩu gạo của thế giới năm nay được dự báo sẽ chỉ đạt 43,7 triệu tấn, nhúc nhích tăng 1,33 triệu tấn so với năm 2020, còn năm 2020 lại thấp hơn 1,65 triệu tấn so với năm 2019. Như vậy, nếu so với kỷ lục 47,2 triệu tấn năm 2018, nhập khẩu gạo của thế giới vẫn đang trên đà giảm.
Các số liệu thống kê và dự báo của FAO tuy có những khác biệt nhất định, nhưng xét trên tổng thể thì xu thế chung cũng tương tự.
Do vậy, không thể căn cứ vào một vài hiện tượng cá biệt nào đó để đánh giá cán cân cung - cầu lúa gạo chung của thế giới như nói trên và đây cũng là điều đã từng được nhắc đến trong câu chuyện “lùm xùm” về hạn ngạch xuất khẩu gạo hồi đầu năm ngoái ở nước ta, không đủ sức thuyết phục.
Thứ hai, việc các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan tăng giá xuất khẩu là đúng, nhưng có lẽ vì những lý do bất khả kháng, còn thông tin về việc Ấn Độ tăng giá “vượt mức kỷ lục trong những năm gần đây”(*) thì cần được kiểm chứng, vì e rằng như vậy thì những người đồng nghiệp Ấn Độ của chúng ta sẽ miệng thì “cười nụ”, nhưng “nhắm mắt, lắc đầu quầy quậy”.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ hai tháng đầu năm nay đã tăng chưa từng có, chắc chắn là do giá giảm cũng chưa từng có kể từ khi kết thúc sốt nóng giá lúa gạo thế giới đến nay.
Theo số liệu thống kê chính thống của nước này, lượng gạo xuất khẩu hai tháng đầu năm nay đã đạt tới con số khổng lồ 3,63 triệu tấn, tăng vọt 84,2%, nhưng giá bình quân chỉ là 460 đô la Mỹ/tấn, thấp nhất kể từ năm 2008 trở lại đây.
Điều đặc biệt còn đáng chú ý hơn nữa là, trong khi xuất khẩu gạo thơm giảm thì xuất khẩu gạo phi Basmati (Non Basmati) của Ấn Độ đã tăng “siêu bùng nổ” 162,1%. Còn về giá, bình quân gạo thơm Basmati trong hai tháng chỉ đạt 855 đô la/tấn, là mức đáy kể từ năm 2017 trở lại đây, còn gạo trắng 353 đô la/tấn là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2008.
Trong khi đó, việc Thái Lan đẩy giá gạo xuất khẩu lên từ năm 2020 đến nay, ngoài những nguyên nhân không khác chúng ta, còn ba nguyên nhân nằm ngoài tầm với của các thương nhân nước này. Đó là tình trạng mất mùa nặng nề hồi đầu năm 2020 do hạn hán kỷ lục trong nhiều thập kỷ, rồi tiếp theo đó là lũ lụt đã khiến giá thành sản xuất tăng vọt; các chính sách hỗ trợ lúa gạo đa dạng của Chính phủ Thái Lan giúp ổn định giá và vấn nạn đồng baht cao giá. Hợp lực của những tác nhân này khiến xuất khẩu gạo trì trệ, tồn kho tăng rất mạnh trong năm 2020 và dự báo năm 2021 sẽ tiếp tục đứng ở mức rất cao.
Trong điều kiện của Thái Lan như vậy và việc giá gạo Việt Nam tăng mạnh thời gian qua có lẽ đã khiến một bộ phận khách hàng quay lưng lại với chúng ta để chuyển sang nguồn cung rất dồi dào và giá lại quá mềm của Ấn Độ, đặc biệt là gạo trắng.
Thứ ba, việc chất lượng gạo đã được cải thiện, hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Mỹ..., cho nên giá gạo xuất khẩu của chúng ta tăng chắc chắn là điều có thực rất đáng mừng, nhưng đó là kết luận có phần định tính, còn về định lượng thì có lẽ còn đáng ngờ.
Các số liệu thống kê của USDA cho thấy, nếu như cách đây năm năm, các khách hàng “kén cá chọn canh” Âu, Mỹ và Úc còn nhập khẩu 11,3% trong tổng tỷ trọng 50,8% xuất khẩu gạo trắng của nước ta, còn đối với gạo thơm và gạo nếp thì chỉ chiếm vỏn vẹn 2% trong 44,6% (toàn bộ “rổ gạo xuất khẩu” là 100%), thì trong năm 2020 vừa qua, trong khi gạo trắng đã “hẻo” đi rất nhiều và chỉ còn 6,9%, gạo nếp và gạo thơm cũng chỉ tăng lên 2,7% trong tổng xuất khẩu của nhóm gạo này.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn nỗ lực của ngành lúa gạo, mà ngược lại, phải ghi nhận những doanh nghiệp đã đầu tư bài bản cho việc xây dựng các vùng lúa nguyên liệu, xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo. Tuy nhiên, với phần diện tích lúa có lẽ vẫn còn quá “mênh mông” còn lại, nói chất lượng gạo của chúng ta đang ngày càng được chú trọng thì hơi quá lạc quan, cho nên bảo đó là nguyên nhân khiến giá gạo tăng có lẽ là chưa ổn.