Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam những năm vừa qua dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ mức ổn định nhờ giá rẻ.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh.
Tuy nhiên, với những chuyển biến gần đây trên thị trường thế giới, lợi thế về giá sẽ không còn như trước... Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị về phát triển thị trường xuất khẩu gạo 2016 tổ chức chiều 22-2 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Châu Á hiện là thị trường chiếm hơn 70% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 33%, nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Dù xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc nhưng hầu hết siêu thị của nước này đều không ghi rõ đó là sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam. Điều đáng buồn là người tiêu dùng Trung Quốc dù sử dụng gạo Việt Nam nhưng không có khái niệm, không biết đây là gạo có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, doanh nghiệp của ông và Tổng công ty Lương thực miền Bắc cũng khó xây dựng "chỗ đứng" tại thị trường Trung Quốc. "Họ lấy hạt gạo của mình trộn với gạo của họ, sau đó đánh bóng lại, lấy thương hiệu của họ để bán ra thị trường. Thực tế, gạo của mình "đóng" tên của họ là rất phổ biến" - ông Huỳnh Thế Năng khẳng định.
Theo VFA, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1-2016 đạt gần 500.000 tấn, tăng 56% về số lượng và tăng 46% về giá trị. Sở dĩ lượng xuất khẩu tăng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường nhập khẩu do đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán cần mua gạo dự trữ.
Tuy nhiên theo VFA, thời gian tới, sản xuất lúa gạo của nước ta sẽ phải đối mặt nhiều thách thức. Trong nước, sản xuất lúa gạo phải chịu tác động xấu của tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước - ảnh hưởng ít nhiều đến sản lượng mùa vụ 2015-2016. Trên thị trường quốc tế, hạt gạo Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan và cả những nước mới nổi như Campuchia, Myanmar.
Hiện nay, chỉ có gạo cấp cao như gạo trắng hạt dài chất lượng cao (chiếm 27% sản lượng xuất khẩu), gạo thơm (chiếm 23%) là phân khúc đặc thù của Việt Nam, dù phải cạnh tranh rất quyết liệt với các đối thủ nhưng vẫn giữ được giá nếu doanh nghiệp khôn khéo lựa chọn thị trường. Còn với thị trường gạo trắng thông dụng, giá rẻ là một trong những yếu tố giúp ngành xuất khẩu gạo Việt Nam giữ được sản lượng ổn định.
Tuy nhiên, thời gian tới, lợi thế về giá này ngày càng bị lung lay và lu mờ do nhiều nước đang có xu hướng tăng cường chính sách dự trữ gạo, đồng thời sản lượng tồn kho toàn cầu cũng tăng lên. Trong khi đó, những đối thủ trực tiếp của Việt Nam như Ấn Độ và Pakistan lại có những lợi thế hơn hẳn về địa lý.
Ngoài ra, sự thay đổi về thể chế, biến động địa chính trị khiến chính sách nhập khẩu của các nước nhập khẩu truyền thống đi theo hướng tăng cường sản xuất trong nước, tiến tới đáp ứng phần lớn hoặc tự túc lương thực. Khi đó, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sẽ mất dần tính cạnh tranh, trong đó đáng lo ngại là cạnh tranh về giá..
(Theo Báo Hà Nội Mới)