Giảm các rào cản kinh doanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà cả các vấn đề an sinh xã hội...
Để xin được giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải trả chi phí 1 USD/tấn. |
Mặc dù ủng hộ Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng loại bỏ những rào cản không cần thiết, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước đối với lúa gạo thì nên hướng vào hai mục đích: một là để đảm bảo an ninh lương thực; hai là để liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề khác để thị trường tự quyết định sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tại cuộc làm việc với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây, ông Nguyễn Duy An, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch, thương mại Kiên Giang cho rằng, vẫn còn những bất cập trong các chính sách, cơ chế của các bộ, ngành khiến doanh nghiệp loay hoay.
Theo ông An, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều đầu mối trong cấp phép khiến doanh nghiệp hoang mang. Hiện nay, quản lý cấp phép xuất khẩu lúa thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp; gạo, bột thì Bộ Công Thương cấp. Chế biến Bộ Công Thương quản lý, nhưng sơ chế thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý... nên rất khó cho doanh nghiệp xin thủ tục xuất khẩu.
Hay những rào cản từ chính cán bộ thực thi. Hiện nay đối với một số cán bộ làm việc trực tiếp với cơ sở cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông An dẫn chứng, công ty ông xuất một lô hàng gạo sang Nam Mỹ. Nước này họ yêu cầu giấy phép lưu hành rủi ro, nước khác trong khu vực Nam Mỹ lại yêu cầu xác nhận biến đổi gien. Trong khi hàng đã tới cảng rồi, nhưng doanh nghiệp phải mất 4 tháng mới có giấy phép từ cơ quan chức năng Việt Nam cấp. Đối tác không đợi được, cuối cùng doanh nghiệp phải giảm giá hàng bán, gây thiệt hại tài chính khá lớn cho doanh nghiệp.
Vấn đề thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng là một vướng mắc. Qua phản ánh từ các doanh nghiệp, để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải làm 3 thủ tục hành chính: từ Sở Công Thương để xác nhận kho chứa đến Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm rồi Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Thủ tục hành chính như vậy là quá phức tạp và có nhiều giấy phép con.
Bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Thành Phương chia sẻ, doanh nghiệp hiện đang đầu tư trồng lúa sạch để xuất khẩu với quy mô 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, để xin được giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải trả chi phí 1 USD/tấn. Đó là chưa kể các chi phí không chính thức khác.
Ủng hộ việc sửa đổi các quy định bất cập tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo để loại bỏ các rào cản không cần thiết, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, việc giảm các rào cản kinh doanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế mà cả các vấn đề an sinh xã hội.
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP mà Bộ Công Thương đang soạn thảo và xây dựng có nội dung quy định, thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: phải có kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và cơ sở xay xát thóc, gạo phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành...
“Sẽ là bất hợp lý khi yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và cơ sở xay xát thóc, gạo phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... Vấn đề này cần được xem xét lại. Cụ thể như, chỉ nên quy định doanh nghiệp có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho...”, ông Tuấn nói.
Hay như nội dung về điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất cũng còn nhiều bất hợp lý.
Theo ông Tuấn, vấn đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo được coi là khâu then chốt giúp làm tăng sản lượng, chất lượng nông sản Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người nông dân cũng đã tự ký các thỏa thuận liên kết để nâng cao giá trị nông sản mà không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Tuy nhiên, mỗi khi có biến động giá hoặc sản lượng, cả phía doanh nghiệp và nông dân đều dễ dàng vi phạm các hợp đồng đã ký kết. Các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng (đặc biệt từ tòa án) hiện chưa rõ ràng để trừng phạt vi phạm hợp đồng, giúp duy trì các liên kết như vậy một cách lâu dài.
Do đó, về dài hạn, biện pháp tốt nhất để tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ là cải thiện các thiết chế tư pháp bảo đảm thực thi hợp đồng, còn các biện pháp hành chính chỉ nên mang tính ngắn hạn.
Hoặc như “Quy định về thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng cần điều chỉnh vì hiện giấy tờ này quy định có giá trị trong 5 năm. Điều này vô hình chung làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc bảo đảm thực thi các quy định pháp luật về xuất khẩu gạo đã được thực hiện dựa trên cơ chế báo cáo và cơ chế thanh tra, kiểm tra. Do đó, quy định về thời hạn của giấy chứng nhận cần được hủy bỏ là hợp lý”, ông Tuấn đề xuất.
Vũ Khuê / VnEconomy