Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 2/2016, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 523.000 tấn với giá trị đạt 228 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm nay tăng gấp gần 2,1 lần về khối lượng và 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Sau nhiều năm gặp khó khăn, dự báo, xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ "dễ thở" hơn
Indonesia hiện vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khoảng trên 25% thị phần. Xếp sau là các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Ghana...
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đầu năm 2016 sẽ ít bị áp lực bởi lượng gạo tồn kho từ năm 2015 chuyển sang thấp, trong khi lượng gạo đã được ký hợp đồng để giao trong quý I cao hơn mọi năm. Cụ thể, hợp đồng xuất khẩu đã ký trong quý I là 1,2 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước là 300.000 tấn.
Trong quý 1/2016, các doanh nghiệp (DN) đã ký kết hợp đồng thương mại thêm 200.000 tấn và phải giao 1,2 triệu tấn theo các đơn hàng đã ký kết, góp phần làm gia tăng nhu cầu thu mua lúa gạo phục vụ cho hoạt động XK. Gạo tồn kho năm 2015 không còn nhiều như các năm trước (chỉ vào khoảng 300.000 tấn so với bình quân 700.000 tấn gạo gối đầu hàng năm). Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc tiêu thụ gạo trong năm nay.
Bên cạnh đó, hiện một số nước trên thế giới đang gặp hạn hán, các quốc gia nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia được dự báo sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El Nino gây ra.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với các ngành chức năng, Bộ đang tăng cường các giải pháp giúp DN mở rộng thị trường XK. Bộ đã làm việc với các cơ quan chức năng nhằm có những giải pháp cụ thể hỗ trợ DN XK gạo sang thị trường châu Phi. Bên cạnh đó, trong năm nay, Bộ cũng sẽ ban hành bộ quy chuẩn về chất lượng gạo và đây sẽ là cơ sở pháp lý xử lý các DN tự hạ chất lượng gạo để cạnh tranh về giá góp phần ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu gạo.
VFA cho hay, định hướng trọng tâm của ngành lúa gạo trong năm 2016 và những năm tiếp theo là nghiêm túc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng thực hiện tăng cường liên kết và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo cao cấp. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để nâng cao vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế, giúp hoạt động XK gạo phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo Phương Lan / baocongthuong.com.vn