Tình trạng sụt giảm đơn hàng năm 2016 được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2017, khi XK giày dép sang Mỹ và một số thị trường ngoài EU vẫn ổn định, thị trường Nga cũng được kỳ vọng sẽ mở lối sang hàng loạt các quốc gia trong khối Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Tăng trưởng chững lại
Ngay từ đầu năm 2016, DN sản xuất giày dép trong nước đã bị thiếu đơn hàng, tình trạng này ngày một nghiêm trọng. Nguyên do, những bất ổn về chính trị, cụ thể sự kiện Brexit khiến sức tiêu dùng tại thị trường EU, nhất là thị trường Anh chững lại. Các nhà nhập khẩu theo đó đặt hàng cầm chừng với số lượng ít đã khiến đơn hàng về Việt Nam giảm mạnh.
Một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản, bị dịch chuyển sang Myanmar, Bangladesh cũng khiến tình trạng thiếu đơn hàng ngày một “nóng”. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đơn hàng chuyển dịch là do tác động của chi phí sản xuất trong nước ngày một cao. Lương tối thiểu liên tục tăng, năm 2017 tiếp tục tăng khoảng 7,4%, khiến nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí. Mặc dù tình trạng chuyển dịch đơn hàng diễn ra chưa mạnh do năng lực chuỗi cung ứng của DN trong nước vẫn tốt, nhưng trong tương lai, nếu giá nhân công tiếp tục tăng, đẩy cao chi phí sản xuất, sự dịch chuyển đơn hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
Thực tế, tình trạng biến động đơn hàng chủ yếu diễn ra ở các DN nhỏ và vừa với mức suy giảm từ 30 - 60%. Ông Nguyễn Văn Khánh - Tổng Thư ký Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh - cho biết: DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đủ đơn hàng cho sản xuất. Đơn cử, Công ty Giày da Thái Bình, năm 2016 sản lượng dự kiến đạt khoảng 28 triệu đôi giày dép, 13 triệu sản phẩm túi xách. Thời điểm cuối năm, công ty phải liên tục tăng ca, đẩy nhanh sản xuất bảo đảm thời gian giao hàng. Một số DN khác cũng duy trì tốt sản xuất như: Công ty TNHH Đỉnh Vàng, Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng…
Theo đánh giá của bà Phan Thị Thanh Xuân, tình trạng suy giảm đơn hàng ở thị trường EU không chỉ ảnh hưởng tới sức tăng trưởng của thị trường này, mà còn kéo theo sự suy giảm của toàn ngành. Năm 2016, ngành Da giày Việt Nam dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 8% thay vì 10% như mục tiêu đã đề ra. Trong đó, Mỹ tiếp tục soán ngôi khối EU trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất với 34% tỷ trọng, EU đứng ở vị trí thứ 2 với khoảng 30%. Các thị trường khác như: Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định.
Năm 2017 - triển vọng sáng
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam: Nhiều DN trong ngành đã chủ động đầu tư công nghệ mới, sản xuất nguyên phụ liệu, dịch chuyển công đoạn đơn giản về vùng sâu, vùng xa để tiết kiệm chi phí… Đây sẽ là nền tảng tốt, giúp DN khôi phục sản xuất trong năm 2017. |
Theo nhiều chuyên gia, năm 2017 có triển vọng tốt hơn cho XK giày dép bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU) có hiệu lực sẽ mở rộng cánh cửa thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng, nhất là thị trường Nga. Hiện, kim ngạch XK giày dép của Việt Nam sang Nga còn rất khiêm tốn. Với những ưu đãi hấp dẫn về thuế quan, FTA VN-EAEU sẽ mở một kênh đủ lớn cho giày dép Việt đi thẳng vào Nga, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian, qua đó đẩy mạnh XK sâu hơn sang các thị trường trong khối như Belarus, Kazakhsta.
Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành Da giày Việt Nam. Trong những năm gần đây, XK vào Hoa Kỳ luôn đạt mức tăng trưởng 20%/năm và Việt Nam là nhà XK giày dép lớn thứ hai vào thị trường này. Ngoài ra, với lợi thế về nhân công, nền chính trị ổn định, hơn 30 năm kinh nghiệm sản xuất giày dép…, ngành Da giày Việt Nam vẫn rất hấp dẫn khách hàng…
Cùng đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 cũng tạo một làn sóng mới cho DN trong nước. Hiệp định này sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đơn hàng mạnh mẽ hơn, đồng thời là động lực thúc đẩy DN trong nước cải thiện năng lực sản xuất, tài chính, tăng khả năng tiếp nhận đơn hàng mới. “EVFTA có hiệu lực, nhờ có lợi thế về thuế, cho dù sức tiêu thụ tại thị trường EU chưa khởi sắc, Việt Nam vẫn có cơ hội tăng XK nhờ “ăn” vào thị phần của các đối thủ cạnh tranh” - bà Xuân phân tích.
Với những triển vọng trên, đại diện Lefaso dự báo: Năm 2017, DN sản xuất giày, dép trong nước có khả năng không thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ có nhiều biến động. Do đó, DN phải luôn bám sát thị trường, nắm bắt thông tin nhằm điều chỉnh định hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. DN tập trung nâng cao năng lực nội tại bằng cách đầu tư xứng đáng cho phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến hệ thống quản lý sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian giao hàng. Trước mắt, DN trong ngành, nhất là với các DN nhỏ và vừa, cần liên kết để sản xuất được các đơn hàng lớn, tăng sức cạnh tranh.
Như vậy, với nhiều tín hiệu sáng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN da giày trong năm 2017 được dự báo sẽ bớt khó khăn hơn. Đặc biệt, tình trạng thiếu đơn hàng được cải thiện sẽ giúp cho DN có thời gian hồi phục và tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng các cơ hội mới.
Việt Nga / baocongthuong