Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song trong năm nay, nhờ sự linh hoạt chủ động từ chính các DN trong ngành, xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ vẫn ghi nhận kết quả tương đối khả quan, thậm chí tiếp tục “vượt mặt” kim ngạch XK dầu thô.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm dự kiến đạt 7,2 tỷ USD
Trung Quốc, EU "co lại"
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính tới hết tháng 10, XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,54 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc - 3 thị trường nhập khẩu (NK) gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, chiếm 68,9% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) đánh giá: Kim ngạch XK sụt giảm nhẹ 0,1% chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm trong XK mặt hàng dăm gỗ. Nhìn chung, 2016 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành gỗ, nhất là về mặt thị trường.
Trước tiên, đó là sự sụt giảm NK mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc. Nếu như trước đây, trung bình mỗi năm Trung Quốc NK tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam khoảng 850-880 triệu USD thì ước cả năm nay, con số này chỉ dừng ở mức trên 600 triệu USD. Hàng XK sang Trung Quốc chủ yếu là dăm gỗ với khối lượng gần 2 triệu tấn/năm. Năm nay, giá dầu giảm, chi phí vận chuyển không phải là vấn đề khó giải quyết nên thay vì mua dăm gỗ từ Việt Nam, Trung Quốc chuyển hướng sang mua từ các thị trường khác, điển hình như Australia bởi xét về mặt chi phí dăm gỗ vận chuyển từ Australia về Trung Quốc cũng chỉ tương đương với giá thành mua từ Việt Nam, trong khi chất lượng sản phẩm lại cao hơn. “Ngoài Trung Quốc, việc sụt giảm XK mặt hàng bàn ghế ngoài trời sang thị trường EU cũng là một trong những khó khăn điển hình. Bằng chứng là trong năm 2015, giá trị XK mặt hàng này sang EU đạt trên 800 triệu USD thì dự tính cả năm nay chỉ đạt khoảng 760-770 triệu USD”, ông Quyền phân tích.
Không chỉ bởi sự sụt giảm kim ngạch XK tại một số thị trường chủ lực, quan trọng, nhiều ý kiến cho rằng còn có các “lực cản” đến từ thị trường nội địa. Ví dụ như, gia tăng chi phí vận tải, phí thuê container; việc vay ngoại tệ khó khăn, thậm chí phải nhờ tới “bôi trơn” tạo thêm chật vật cho DN…
Liên quan tới thông tin kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ cao hơn mặt hàng dầu thô, ông Quyền cho rằng, đây là điều hết sức bình thường, không có gì đột biến. Bởi những năm gần đây, thị trường dầu thô khó khăn, kim ngạch XK vốn đã sụt giảm mạnh nên việc XK gỗ và mặt hàng gỗ vượt dầu thô là đương nhiên. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, hai mặt hàng này vốn có những tính chất khác nhau, ít tương đồng, không phù hợp để đặt lên “bàn cân” so sánh.
Thúc đẩy thị trường mới
Liên quan tới kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ những tháng cuối năm, ông Quyền dự báo, hai tháng 11 và 12, tổng kim ngạch XK có thể đạt 1,5-1,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch XK cả năm đạt mức 7,2 tỷ USD.
Trả lời cho câu hỏi, tại sao nhiều khó khăn mà XK gỗ vẫn thu về kết quả khả quan như trên, theo ông Quyền mấu chốt là nhờ sự tích cực, chủ động từ bản thân DN chế biến, XK. Điều này được thể hiện ở việc, khi gặp khó tại các thị trường truyền thống, chủ lực như Trung Quốc, EU…, các DN đã nỗ lực để đẩy mạnh XK sang các thị trường khác, điển hình như Hàn Quốc. 10 tháng đầu năm nay, XK gỗ sang Hàn Quốc đã tăng mạnh tới 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, XK sang thị trường Hoa Kỳ cũng tích cực khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Đặc biệt, trong năm nay, XK sang một số thị trường khu vực Trung Đông cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng kể. “Ở trong nước, nhiều loại gỗ như gỗ cao su, gỗ rừng trồng… đã dần dần đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho DN, giảm phụ thuộc NK là một trong những yếu tố thuận lợi hơn giúp DN vượt qua khó khăn”, ông Quyền nói.
Đề cập tới vấn đề XK gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2017 tới, ông Quyền nhận định những khó khăn sẽ còn nhiều hơn năm nay. Khó khăn trước hết tập trung ở nguy cơ cao thiếu nguồn nguyên liệu. Ví dụ rõ nhất là gần đây Chính phủ Lào đã có văn bản cấm XK gỗ khi chưa phải là sản phẩm gỗ. Điều này khiến cho các DN Việt không thể tiếp tục trông đợi vào nguồn gỗ nguyên liệu NK từ Lào. Bên cạnh nguồn nguyên liệu, tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là vay ngoại tệ dự kiến sẽ tiếp tục là điểm vướng mắc với các DN.
Theo Báo Hải quan