Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ năm nay đạt 3,2%, với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,2 tỉ USD.
Dệt may đón một năm buồn vì TPP nhiều khả năng không được thông qua, da giày bị cấm vận tại châu Âu, gạo và thủy sản bị trả về… Thế nhưng, ngành gỗ vẫn ổn định, tăng trưởng đều, đầu tư ngày càng bài bản và không phụ thuộc vào TPP.
Không lo TPP, không lo Asean
Các doanh nghiệp ngành dệt may đã kỳ vọng xuất khẩu đạt 50 tỉ USD vào năm 2020 khi TPP được Mỹ phê duyệt, nhưng tuyên bố mới nhất của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm nhiều doanh nghiệp lao đao vì đã trót đầu tư nhà máy với số vốn lớn. Những dự án hàng tỉ USD để đầu tư vào ngành dệt sợi giờ chưa giải được bài toán đầu ra.
Trong khi đó, ngành gỗ vẫn tăng trưởng tốt. “Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ năm nay ở mức 3,2% và đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,2 tỉ USD”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), chia sẻ. Với giá trị kim ngạch này, ngành gỗ đã tăng trưởng đúng như kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Ngành xuất khẩu gỗ năm nay tăng trưởng là nhờ Mỹ và Nhật. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 3,7% thị phần. Trong thời gian tới, Mỹ tiếp tục sẽ là thị trường chủ lực, vì thuế vào thị trường này bằng 0% nhờ ngành gỗ Việt Nam được hưởng quy chế tối huệ quốc (chỉ một số mặt hàng đóng thuế 1-4%). Do đó, dù không có TPP, ngành gỗ vẫn thênh thang xuất khẩu vào Mỹ.
Tại thị trường Canada, có một số sản phẩm bị áp thuế 9%. Chilê và Peru không có quy chế tối huệ quốc cho ngành gỗ Việt Nam nên thuế xuất khẩu vào thị trường này là 15,1%. Tuy nhiên, hai nước này không phải là thị trường chính của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu và Trung Quốc lại sụt giảm. Theo lý giải của ông Hạnh, Hawa, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, trong khi Trung Quốc lại chủ yếu nhập khẩu dăm gỗ.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, ông Hạnh cho biết ngành gỗ nội thất trong nước cũng đang phát triển ổn định và không bị lệ thuộc vào gỗ nhập khẩu. Bằng chứng là mỗi năm gỗ tiêu thụ trong nước đạt khoảng 1,3 tỉ USD và sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu chỉ khoảng 5,4 triệu USD. Điều này cho thấy sức ép của cơn lốc ASEAN trong ngành đồ gỗ hiện nay chưa cao và các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn được ưa chuộng. Ông Hạnh lấy ví dụ, trong các cuộc triển lãm hội chợ ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được tổ chức hằng năm vào tháng 11, sức mua của thị trường vào khoảng 24 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám Đốc Công ty AA và Chủ tịch Hawa, chia sẻ: “Trong khối ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu và sản xuất đồ gỗ gần như mạnh nhất. Vì vậy, sản phẩm của những nước khác trong khối ASEAN muốn vào Việt Nam sẽ gặp khó khăn”.
Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines là 4 nước có thế mạnh về sản xuất sản phẩm gỗ nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành gỗ trong nước. Từ nhiều năm nay, Thái Lan và Malaysia đã đầu tư nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Nhưng những sản phẩm của Thái vào Việt Nam chủ yếu là hàng giá rẻ. Các doanh nghiệp nước này hiện mở một số cửa hàng để không tốn chi phí vận chuyển. Indonesia và Philippines thì không kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Việt Nam vì sản phẩm của Việt Nam quá mạnh.
Đa số các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc là các sản phẩm đồ nội thất có kèm kim loại và simili; những sản phẩm thuần tuý đồ nội thất gỗ vào Việt Nam vì khó cạnh tranh nên cũng rất ít, ông Khanh cho biết.
Tiềm năng của ngành gỗ đã thu hút một số nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào. Chẳng hạn, giữa tháng 6 vừa qua, Quỹ VOF của VinaCapital và Quỹ DEG, quỹ đầu tư thành viên của Tập đoàn KfW (Đức), cho biết sẽ đầu tư 30 triệu USD vào Công ty Cổ phần Gỗ An Cường, một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực sản phẩm mới từ gỗ nhân tạo.
Vẫn dè chừng chính sách của Donald Trump
“Dù không bị ảnh hưởng trong hiện tại nhưng về lâu dài TPP vẫn ảnh hưởng đến ngành gỗ Việt”, ông Hạnh nhấn mạnh. Câu chuyện của ông Khanh, Công ty AA, là một ví dụ.
Cách đây 7-8 năm, ông Khanh, Công ty AA, đã đến thăm tiểu bang Carolina. Đây là bang được mệnh danh là “Thủ đô bàn ghế của nước Mỹ” vì nơi đây sản xuất gỗ rất nhiều và lớn nhưng sau đó phá sản hàng loạt. Vài năm nay, các doanh nghiệp tại đây bắt đầu xúc tiến nhiều vụ kiện chống bán phá giá và tân Tổng thống Donald Trump đang muốn khôi phục lại ngành sản xuất gỗ tại đất nước này. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến ngành gỗ của các nước xuất khẩu vào Mỹ như Việt Nam và ảnh hưởng tới nhiều ngành khác.
“Không nói đâu xa, vừa rồi hai công ty sản xuất giày lớn của thế giới là Adidas và Nike đã quay về Mỹ, đầu tư nhà máy sản xuất giày bằng công nghệ robot”, ông Khanh chia sẽ. Điều này đã tác động đến ngành sản xuất da giày tại Việt Nam.
Ngành gỗ cũng không ngoại lệ. Ông Khanh đã từng chứng kiến nhà máy sản xuất gỗ bằng robot tại Đan Mạch sản xuất tới 3.000 ghế, được điều khiển hoàn toàn bằng robot và chỉ cần 12 công nhân. “Ông Trump sẽ không thay đổi chính sách trong một sớm một chiều, nhưng doanh nghiệp gỗ Việt và các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới phải lưu ý vấn đề này. Thời gian vừa qua, số lượng hàng sofa lớn và nệm mút đã quay về sản xuất tại thị trường Mỹ. Đó là bằng chứng về việc Mỹ đang tìm cách đưa việc làm về lại với người Mỹ”, ông Khanh chia sẻ thêm.
Dẫu vậy, nhu cầu tiêu dùng gỗ thế giới lên tới 341 tỉ USD/năm, trong khi Việt Nam chỉ mới chiếm 7 tỉ USD. Nghĩa là thị trường vẫn còn thênh thang cho doanh nghiệp gỗ Việt. Theo ông Hạnh, xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong khoảng 10 năm nữa được kỳ vọng sẽ đạt tới 20 tỉ USD. Ngoài hai thị trường mới là Trung Đông và Trung Âu, thị trường Nga cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng cho ngành gỗ Việt. Hiện nay, nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam không xuất khẩu vào Nga nhưng sản phẩm lại đang có mặt tại Nga thông qua các thị trường Tây Âu. Điều đó chứng tỏ thị trường Nga còn nhiều tiềm năng. Hiện tại 85-90% hàng sản xuất tại Việt Nam là hàng OEM. Việc tự đi mở thị trường thì doanh nghiệp Việt chưa đủ sức. Trong khi đó, để xuất vào thị trường Nga, doanh nghiệp cần có thương hiệu và phải làm được hàng ODM (tự thiết kế và sản xuất). Nhưng như ông Khanh chia sẻ, doanh nghiệp Việt chưa làm được ODM.
Một vấn đề có thể khiến ngành gỗ gặp khó trong thời gian tới là Trung Quốc sẽ đóng cửa rừng tự nhiên vào năm 2017. Với lượng gỗ khai thác tại rừng tự nhiên 42 triệu m³/năm, Trung Quốc sẽ phải mua lượng gỗ tương tự vào năm sau, từ đó sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng lên. Một thách thức khác là hiện có đến 1/3 doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến ngành gỗ Việt Nam bị vạ lây khi bị các nước kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Thanh Hương / nhipcaudautu