Năm 2018, với kim ngạch xuất khẩu 758,8 triệu USD, ngành hồ tiêu chính thức rời khỏi nhóm tỷ đô đã được thiết lập từ những năm trước đó.
Ảnh minh họa.
Tuần qua, giá tiêu trên thị trường xuất khẩu tăng nhẹ trong bối cảnh nguồn cung giảm so với nhu cầu. Tại thị trường trong nước giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên vẫn ổn định và giao động trong khoảng 64.000 - 68.000 đ/kg như hồi cuối tuần.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được thu mua với mức 66.000 đồng/kg. Tại Gia Lai ở mức 64.000 đồng/kg, trong khi đó tại Đồng Nai ở mức 64.000 đồng/kg. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giá cao nhất 68.000 đồng/kg. Còn tại Bình Phước được thu mua với mức 67.000 đồng/kg.
HỒ TIÊU VIỆT NAM KHÓ GIỮ VỊ TRÍ SỐ 1 THẾ GIỚI
Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan vừa công bố thì xuất khẩu tiêu trong tháng 4/2021 đạt 32.232 tấn, trị giá 105,22 triệu USD. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tiêu đạt 93.557 tấn, trị giá 284,30 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 19,6% về lượng (tương đương 22.794 tấn), nhưng tăng 14,5% về giá trị.
Trong quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân đạt 2.883 USD/tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng qua tháng 4/2021, giá tiêu xuất khẩu đã giảm, do người nông dân gâm hàng lại với hy vọng giá tăng cao hơn nữa nên nguồn cung hạn chế, khiến các nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển sang Brazil, nơi có giá cả phải chăng hơn.
Quý I/2021, xuất khẩu tiêu sang thị trường Hoa Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Anh tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Ấn Độ, Đức giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), tình hình xuất nhập khẩu hồ tiêu của một số nước xuất nhập khẩu lớn trên thế giới, đồng thời nhận định về tương lai gần của các thị trường này thì trong năm 2021, sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt 555 nghìn tấn, giảm 21 nghìn tấn so với năm 2020 (576 nghìn tấn), thì Việt Nam giảm đến 20 nghìn tấn, còn số này phù hợp với dự đoán Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra.
Việt Nam - quốc gia đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng cũng như khối lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới, nhưng trong năm 2021 sản lượng tiêu của Việt Nam dự kiến chỉ đạt 220 nghìn tấn, giảm 20 nghìn tấn so với năm 2020 (240 nghìn tấn) và giảm khoảng 30 - 40 nghìn tấn so với các năm trước đó.
Nguyên nhân khiến diện tích, sản lượng tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác.
Trong khi Việt Nam giảm diện tích và sản lượng thì các nước như Brazil, Ấn Độ, Campuchia tăng mạnh diện tích và sản lượng. Điều này đang đe dọa vị thế số 1 của hồ tiêu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
XUẤT KHẨU CÀNG TĂNG VỀ LƯỢNG, CÀNG GIẢM VỀ GIÁ TRỊ
Từ năm 2001, với diện tích là 36,1 nghìn ha, sản lượng đạt 44,4 nghìn tấn, chiếm 28% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu và Việt Nam chính thức trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới.
Đến năm 2018, Việt Nam vẫn giữ vị trí đứng đầu với sản lượng xuất khẩu luôn trên mốc 200 nghìn tấn/năm, chiếm 60% lượng xuất khẩu thế giới và có mặt tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Diện tích hồ tiêu đã tăng lên 150 nghìn ha, sản lượng đạt đến 255,4 nghìn tấn, gấp 4,5 lần so với năm 2001.
Hồ tiêu chính thức lọt vào nhóm ngành hàng xuất khẩu tỷ đô vào năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, rồi đạt 1,26 tỷ USD vào năm 2015, thiết lập mốc 1,42 tỷ USD vào năm 2016.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay xuất khẩu hồ tiêu liên tục giảm, đến năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu 758,8 triệu USD. Ngành hồ tiêu chính thức rời khỏi nhóm tỷ đô.
Vào năm 2011, khi giá xuất khẩu tiêu đạt kỷ lục với mức 5.500-5.800 USD/tấn đối với tiêu đen và 8.000-8.500 USD/tấn đối với tiêu trắng, thì diện tích trồng tiêu trong nước bắt đầu tăng lên nhanh chóng.
Đến năm 2013, do nguồn cung tăng cao vượt quá nhu cầu kéo giá tiêu xuống thấp kỷ lục thì nông dân chán nản, bỏ bê các vườn tiêu, cùng với đó, các khoản nợ do đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng từ các năm trước đổ xuống đã đẩy ngành hồ tiêu vào khủng hoảng.
Năm 2014, sau rất nhiều nỗ lực để vượt qua, giá hồ tiêu đã tăng 14,45% so với năm trước và đây cũng là năm đầu tiên hồ tiêu tham gia vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam.
Theo VPA, vào tháng 11/2015, giá hồ tiêu đã vượt mức kỷ lục của năm 2011, đạt 9.528 USD/tấn, tuy nhiên, hồ tiêu chỉ giữ được kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 4 năm.
Cụ thể: Năm 2014 xuất khẩu được 155 nghìn tấn với kim ngạch trên 1,2 tỷ USD.
Năm 2015 xuất khẩu đạt 131 nghìn tấn, kim ngạch 1,26 tỷ USD.
Năm 2016 xuất khẩu đạt 178 nghìn tấn, kim ngạch gần 1,43 tỷ USD.
Năm 2017 đạt 215 nghìn tấn, kim ngạch gần 1,12 tỷ USD. Đến năm 2018, mặc dù xuất khẩu đến 232 nghìn tấn, nhưng giá trị chỉ đạt 758,8 triệu USD.
Qua năm 2019 xuất khẩu hồ tiêu giảm tiếp còn 722 triệu USD và năm 2020 xuất khẩu hồ tiêu đạt 285.292 tấn, trị giá 660,57 triệu USD, giảm 0,4% về lượng nhưng giảm đến 7,5% về trị giá so với năm 2019 và thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010.