Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Ấn Độ, thị trường lớn thứ 2 của ngành hàng này sẽ gặp khó khi Bộ Công Thương Ấn Độ công bố chính thức áp dụng mức giá nhập khẩu tối thiểu khoảng 7,75 USD/kg đối với hồ tiêu
Giá CIF nhập khẩu tối thiểu đối với hồ tiêu là 500 rupi/Kg (khoảng 7,75 usd/kg) sẽ khiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Ấn Độ gặp khó. |
Thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, từ đầu tháng 12/2017, Bộ Công Thương Ấn Độ đã thông qua đề xuất của Hội đồng Gia vị, ấn định giá CIF nhập khẩu tối thiểu đối với hồ tiêu là 500 rupi/Kg (khoảng 7,75 usd/kg), nhằm bảo vệ quyền lợi của người trồng tiêu trong nước trước tình trạng hạt tiêu nhập khẩu giá rẻ trên thị trường Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, khiến cho giá hạt tiêu trong nước giảm mạnh.
Trong thông báo, Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, giá hồ tiêu tại Ấn Độ đã giảm khoảng 35% trong 1 năm qua đang khiến cho người trồng tiêu Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các nước sản xuất tiêu chính đều nằm ở khu vực ASEAN.
Ấn Độ đã và đang lo ngại trước việc hồ tiêu được sản xuất từ các nước ASEAN được nhập khẩu vào Ấn Độ thông qua đường Sri Lankha để được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Nam Á (SAFTA) và Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - Sri Lanka (ISLFTA).
Các tổ chức, hiệp hội nông dân đã kiến nghị nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu tiêu giá rẻ vào Ấn Độ, trong đó có việc áp giá nhập khẩu tối thiểu (Minimum Import Price – MIP).Việc áp giá nhập khẩu tối thiểu MIP sẽ giúp cải thiện giá tiêu trong nước, đặc biệt trong bối cảnh mùa thu hoạch tiêu đang đến gần.
Hồ tiêu là ngành hàng đóng góp giá trị xuất khẩu tỷ USD trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu đạt 192.235 tấn, đạt giá trị 1,018 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh về lượng, khoảng tăng 21%, nhưng lại giảm tới 20,9% về giá trị.
Cụ thể, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 5.340 USD/tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Điều này cho thấy xuất khẩu thô đang giảm mạnh về giá trị trong bối cảnh sản lượng tiêu tăng cao trên toàn cầu.
Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất (UAE) với thị phần lần lượt là 19,3%, 6,8%, và 6%.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất tiêu thụ lớn nhất các loại hồ tiêu của Việt Nam, chiếm 18% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 31.876 tấn, tương đương 186,46 triệu USD, (giảm 6,7% về lượng và giảm 37% giá trị so với cùng kỳ 2016).
Ấn Độ thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 7,2% trong tổng lượng và chiếm 6,8% tổng kim ngạch; đạt 12.993 tấn, trị giá 65,46 triệu USD (tăng 35% về lượng nhưng giảm 11% giá trị).
Tiếp đến thị trường UAE chiếm 6,7% trong tổng lượng và 6% trong tổng kim ngạch, đạt 12.081 tấn, trị giá 57,92 triệu USD.
Dự báo, sản lượng tiêu Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng mạnh. Năm 2017, sản lượng tiêu Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trên 200.000 tấn.
Nhiều khả năng sản lượng 2018 có thể còn cao hơn nữa. Nguyên nhân chính là nhiều diện tích tiêu được phát triển ồ ạt trong mấy năm qua khi giá tiêu cao, đã đến lúc cho thu hoạch.
Sản lượng tiêu ở Việt Nam tiếp tục tăng lên. Sản lượng tiêu ở nhiều nước sản xuất khác như Brazil, Campuchia, Ấn Độ… cũng tăng, khiến cho nguồn cung tăng cao trên toàn cầu. Vì thế, giá tiêu trong năm 2018 được dự báo vẫn ở mức thấp.
Như vậy, 2018, xuất khẩu hồ tiêu còn chật vật bởi nguồn cung tăng, giá xuất khẩu tiếp đà giảm.
Thế Hải / baodautu