Cùng với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang được xem là "vùng đất vàng" để phát triển các loài hoa nhiệt đới và ôn đới. Lợi thế này đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đến Lâm Đồng để phát triển vùng trồng, hỗ trợ thành lập chợ đầu mối cung ứng hoa cũng như các kỹ thuật trồng hoa.
Cùng với nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào Việt Nam khai thác vùng trồng hoa là những động thái tích cực từ các cơ quan quản lý địa phương, nơi có lợi thế về các loại hoa tươi có tiềm năng xuất khẩu. Thế nhưng, vấn đề được các chuyên gia ngành hoa đặt ra là tiềm năng của hoa Việt Nam đang ở đâu?
Gần đây, dự báo Việt Nam sẽ trở thành "trung tâm xuất khẩu hoa hàng đầu châu Á" được trích đăng từ bài báo của một tạp chí Nhật Bản đã dấy lên nhiều tranh luận về tiềm năng của ngành hoa tươi Việt Nam.
Điều này có mẫu thuẫn với thực trạng hiện nay, khi mỗi năm, cứ một vụ hoa qua đi, đâu đó vẫn có chuyện giá hoa rẻ mạt, dư thừa nguồn cung, thậm chí đổ bỏ?
Phóng viên đã có những ghi nhận về vấn đề này với ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hoa thành phố Đà Lạt.
Trước câu hỏi Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hoa như dự báo hay không, ông Đường phân tích: "Việt Nam có thể trồng hoa để xuất khẩu, nhưng trồng được hoa là một chuyện, có xuất khẩu được hoa hay không lại là chuyện khác. Điều này phụ thuộc vào định hướng của Nhà nước, cũng như các cơ quan lãnh đạo có xem hoa là một mặt hàng chủ lực của Việt Nam để xuất khẩu hay không. Từ đây mới bàn đến việc làm thế nào để xuất khẩu hay trồng hoa gì để xuất khẩu".
Theo ông Đường, không chỉ tại Đà Lạt (Lâm Đồng) mà ở Hà Nội, Hải Phòng, Sapa... đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể trồng hoa với năng suất cao và hoàn toàn cạnh tranh được với các "thủ phủ hoa" trên thế giới, do Việt Nam trồng được nhiều loại hoa mà nhiều quốc gia khác không trồng được.
Song hiện nay, điều đáng buồn là chính quyền lẫn người dân gần như "lãng quên" cây hoa xuất khẩu, trái lại, lại chú trọng nhiều đến các loại rau, củ, quả.
Viện dẫn điều này, ông Đường nói thêm: "Huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) có điều kiện khí hậu cực kỳ tốt để phát triển cây hoa, thế nhưng nông dân không ai chú trọng trồng hoa. Và hiện nay thì khá nhiều NĐT Nhật Bản đến đây trồng hoa. Như vậy dân ta là những người làm thuê trên chính mảnh đất của mình".
Xét về quy mô lẫn sản lượng, mấy năm đầu thập niên 2010, với diện tích hoa cắt cành trên 1.100ha, sản lượng không dưới 800 triệu cành/năm và có thể sản xuất quanh năm, Lâm Đồng đã được xem là trung tâm sản xuất hoa cắt cành lớn nhất Việt Nam.
Song, tính đến tháng 1/2016, Đà Lạt, nơi được mệnh danh là "xứ ngàn hoa" đang có trên 400 loài hoa với nhiều giống hoa các loài, trong đó có 70 giống hoa cúc, 30 giống đồng tiền, 30 giống cẩm chướng, hàng chục giống hoa hồng... trải rộng trên diện tích 7.800ha, sản lượng đạt 2,5 tỷ cành, nhưng tỷ lệ xuất khẩu chỉ mới chiếm 10% mỗi năm.
Trong đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty TNHH Agrivina (Dalat Hasfarm), Công ty TNHH Hoa Trường Xuân (Đài Loan)... chiếm phần lớn.
Ở góc độ nhà quản lý, vừa qua, trong trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt (diễn ra từ 29/12/2015 đến 2/1/2016), UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp nâng cao giá trị hoa Đà Lạt, chủ động xuất khẩu.
Theo đó, ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt thừa nhận những khiếm khuyết một phần cũng xuất phát từ các cơ quan chức trách, do chưa đưa ra được những dự báo thị trường cho nông dân nên giá trị hoa của Đà Lạt vẫn còn thấp, phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, chậm chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật.
"Thành phố Đà Lạt đang nỗ lực để tổ chức trung tâm giao dịch hoa nhằm kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho người trồng hoa nắm bắt được nhu cầu thị trường...", ông Võ Ngọc Hiệp cho biết thêm.
Cùng với chủ trương ấy, tháng 12/2015, Hiệp hội Hoa Đà Lạt và Hiệp hội Hoa Quốc tế Goyang đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác vì sự phát triển của ngành hoa thế giới nói chung và ngành hoa Việt Nam nói riêng.
Qua đó, hai bên sẽ có những chia sẻ thông tin trong ngành công nghiệp hoa, hỗ trợ qua lại trong việc phát triển cây giống, kỹ thuật làm vườn.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thống nhất xây dựng chợ hoa đầu mối tại Đà Lạt theo mô hình chợ hoa OTA của Nhật Bản với tổng kinh phí 164 tỷ đồng.
Phía Lâm Đồng đánh giá rất cao tính khả thi của dự án này và đã thông qua về chủ trương xây dựng chợ hoa, bởi lẽ, mô hình chợ hoa này là một cách hữu hiệu để đảm bảo đầu ra và thu nhập ổn định cho nông dân. Nếu không có trở ngại, dự kiến chợ hoa sẽ ra đời vào năm 2017.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)