Logistics là ngành phụ thuộc nhiều vào hoạt động XNK. Trong những tháng đầu năm nay, khi kim ngạch XNK cả nước tăng thấp, các DN logistics cũng giảm hẳn về số lượng đơn hàng và lợi nhuận trong kinh doanh.
Để giữ ổn định doanh thu và khách hàng, DN logistics phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng
Ảnh hưởng đáng kể
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, XK 7 tháng năm 2016 đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 10% mà Quốc hội đề ra. Nguyên nhân do bất ổn chính trị tại một số thị trường XK, thời tiết, hạn hán ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt hàng nông sản…
Chính vì kết quả không khả quan này, nhiều DN logistics cũng bày tỏ lo ngại khi đơn hàng XK giảm hơn nhiều so với năm trước.
Bà Lê Mai Lan, Phó giám đốc Công ty TNHH Con Đường Sáng (CSS Brightway) cho biết, tốc độ tăng trưởng đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2015. Hơn nữa, lượng đơn hàng của khách hàng mới không nhiều, nên đa phần DN đang làm cho những khách hàng cũ, đã hợp tác thân quen với DN.
Điều đáng ngại là theo thông lệ, bắt đầu từ tháng 6, đơn đặt hàng giao nhận, logistics bắt đầu tăng lên do DN vào mùa kinh doanh cuối năm, DN phải “trả” hàng cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay, đơn hàng và khách hàng lại “ảm đạm” hơn, khiến các DN logistics lo “vỡ” kế hoạch tăng trưởng cả năm.
Theo ông Trần Bình Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Giao nhận vận tải Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê nhưng nhìn chung, hầu hết DN đều bị ảnh hưởng, có DN giảm mạnh lượng đơn hàng, có DN đạt được mức bằng như năm trước. XK giảm, lượng hàng luân chuyển giảm nên doanh thu của nhiều DN logistics chỉ đạt 80% so với năm 2015, các DN logistics trong miền Nam khá hơn một chút do các DN XNK phía Nam hoạt động nhiều và mạnh hơn.
Trước tình hình này, mặc dù các bộ, ngành đã đề ra giải pháp đẩy mạnh XK nhưng các DN logistics đều không đặt nhiều lạc quan vào việc cải thiện trong năm tới. Ông Phú cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Với những biến động khó lường như năm nay, sang năm, hoạt động của các DN logistics có “ấm” lên được hay không vẫn chưa thể dự báo, nhưng các DN đều hy vọng hoạt động XNK sẽ được phục hồi nhờ sự vào cuộc, giúp sức từ Nhà nước.
Tự cứu mình
Với tương lại còn khá “mờ mịt” cho ngành XNK và logistics, các DN phải làm nhiều giải pháp để cải thiện hoạt động kinh doanh, chờ cơ hội bứt phá.
Về vấn đề này, ông Trần Bình Phú cho biết, thách thức khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập là hàng hóa sẽ XK khó khăn trong thời gian đầu, nhưng đây cũng là cơ hội để thu hút các DN nước ngoài đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Tiêu biểu như để đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều DN nước ngoài đã đến mở nhà máy tại Việt Nam để tận dụng ưu đãi và nguồn nhân công giá rẻ. Do đây đang là giai đoạn các nhà máy này mới khởi công, đang xây dựng nên chưa tạo ra nhiều nguồn hàng XK. Vì thế, nếu các DN logistics chịu khó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong thời gian này thì sẽ đón đầu được cơ hội hợp tác, làm việc với những DN đầy tiềm năng.
Bên cạnh việc “ngồi chờ” thời cơ, nhiều DN logistics đã đặt ra phương châm hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại để tạo niềm tin, thu hút khách hàng.
Với lượng đơn hàng vẫn tăng trưởng đều trong bối cảnh khó khăn, ông Ngô Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi cho biết, do hoạt động lâu năm và đã tạo dựng được thương hiệu, nên Công ty được nhiều DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài thuê để thực hiện một số công đoạn của logistics như khai thuê hải quan, kho bãi, vận tải…
“Không phải DN logistics nội địa nào cũng có thể được các DN lớn ký hợp đồng thuê ngoài. Ví dụ như khi hợp tác với Tập đoàn LG tại Việt Nam, họ đòi hỏi DN phải chứng minh được năng lực tài chính, năng lực vận tải và kỹ năng làm việc với Hải quan. Về tài chính, DN logistics phải có lượng vốn nhất định để có chi phí trả hộ, đứng ra ứng trước cho khách hàng một số chi phí. Bên cạnh đó, DN phải đáp ứng được về máy móc thiết bị, xe container vận chuyển hàng, phải có chứng chỉ hành nghề hải quan, chứng chỉ đại lý khai thuê hải quan, ký được hợp đồng hải quan điện tử với Thái Sơn…”, ông Hải chia sẻ.
Xét thực tế, các DN logistics của Việt Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa, chỉ nhận làm từng phần của cả công đoạn logistics nên phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thuê ngoài của DN XNK. Vì thế, để giữ ổn định doanh thu và khách hàng, DN phải có bề dày hoạt động cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Do vậy, nhận định năm 2016 hoạt động XNK gặp khó, một số DN cho biết đã phải giảm giá dịch vụ với các khách hàng lớn để tăng sức cạnh tranh. Hoặc với những DN, nhà máy mới đi vào hoạt động, DN logistics phải tự đến để quảng cáo, cung cấp thử một số dịch vụ tư vấn về thuế, hải quan… để DN XNK, nhà máy thấy được năng lực của DN logistics, sau đó mới có thể tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Nhìn chung, năng lực hoạt động luôn là vấn đề được đối tác, khách hàng quan tâm hàng đầu khi hợp tác về logistics. Do đó, nếu các DN logistics trong nước biết cải thiện, chú trọng đầu tư để tăng niềm tin, kết nối khách hàng bền chặt thì có thể vượt qua được giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn trong năm nay.
Theo Báo Hải quan