Từ trước đến nay, tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (sau Brazil) nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao, do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu mới công bố từ Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ở niên vụ 2014-2015 (tức thời điểm từ tháng 10/2014 đến cuối tháng 9/2015) đã giảm mạnh so với niên vụ trước và đang ở mức thấp nhất trong 5 niên vụ trở lại đây, kể từ niên vụ năm 2010-2011.
Thấp nhất trong 5 niên vụ trở lại đây
Trong niên vụ 2014 – 2015, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,269 triệu tấn cà phê, tương đương tổng giá trị ngoại tệ mang về là 2,648 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là mức sản lượng và tổng giá trị xuất khẩu thấp nhất kể từ niên vụ 2010-2011.
Đồng thời, niên vụ 2014 – 2015 cũng chứng kiến mức giảm xuất khẩu nhanh nhất trong các niên vụ vừa qua. Cả mức sản lượng xuất khẩu và tổng giá trị đều “cắm đầu” giảm so với niên vụ 2013 -2014. Theo đó, sản lượng xuất khẩu đã giảm tới 23% và tổng giá trị xuất khẩu thu về đã giảm tới 22%.
6 tháng đầu năm nay (từ 1/1/2016-15/6/2016), sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 906 ngàn tấn. Mặc dù lượng xuất tăng gần gấp rưỡi năm ngoái (648 ngàn tấn), nhưng do giá thấp nên giá trị thu về không tương ứng, chỉ đạt 1,56 tỷ USD (so với mức 1,34 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái).
Có thể nói, dù câu chuyện về sự khó khăn của xuất khẩu cà phê đã được nhắc đến từ lâu, nhưng những thống kê mới này càng thể hiện rằng cà phê Việt Nam đang phải chịu nhiều cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đầu năm nay, ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa) nhận định, nhu cầu cà phê trong nước sẽ tăng cao và xuất khẩu cà phê có thể giảm tiếp 25% trong năm 2016 này.
Sản lượng xuất khẩu và tổng giá trị xuất khẩu cà phê 5 niên vụ gần đây.
Cũng theo Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 thị trường trên thế giới, Trong đó, Đức và Hoa Kỳ là hai thị trường dẫn đầu với lượng nhập khẩu trên 10% cà phê của Việt Nam. Xếp sau lần lượt là các thị trường Tây Ban Nha, Ý và Nhật Bản.
Chuyển dịch cơ cấu sang cà phê hòa tan và cà phê rang xay xuất khẩu
Từ trước đến nay, tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (sau Brazil) nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao, do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến. Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, khi tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5%.
Niên vụ vừa qua cũng không phải là ngoại lệ khi mà sản lượng cà phê nhân chiếm tới hơn 92%. Còn lại, sản lượng cà phê hòa tan đạt khoảng 6% và cà phê rang xay xuất khẩu chỉ đạt khoảng 1%.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu ngày càng tăng lên do Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến xuất khẩu loại cà phê chế biến.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu tới 1,28 triệu bao cà phê hòa tan, tăng 382 nghìn bao, tương ứng tăng 42,4% so với niên vụ trước.
Đồng thời sản lượng xuất khẩu cà phê rang xay cũng có sự thay đổi lớn trong niên vụ 2014 – 2015, sản lượng tăng mạnh từ 120 nghìn bao lên 475 nghìn bao, tương ứng mức tăng 280,8% so với niên vụ 2013 - 2014.
Xuất khẩu cà phê theo loại sản phẩm (nghìn bao) niên vụ 2014 – 2015.
Niên vụ 2015 – 2016 được dự đoán tiếp tục là khoảng thời gian cà phê chế biến xuất khẩu được chú trọng nhiều hơn. Theo các chuyên gia dự đoán, sản lượng cà phê hòa tan sẽ đạt 1,5 triệu bao bao và sản lượng cà phê rang xuất khẩu sẽ đạt 550 nghìn bao trong niên vụ tới đây.
Những tín hiệu về giảm xuất khẩu cà phê đã được ghi nhận từ những năm 2013. Ngày 14/8/2013, hãng tin nổi tiếng Reuters đã từng đưa tin về ngành cà phê Việt Nam rằng "đang trong cơn khủng hoảng, gặp khó khăn do trốn thuế, quản lý yếu kém, thiếu khả năng thanh toán, lãi suất ngân hàng cao và tín dụng bị thắt chặt".
“Do thiếu vốn, các doanh nghiệp cà phê không thể hoạt động bình thường, nhiều doanh nghiệp cà phê đang bị kẹt với các khoản nợ lớn nên ngân hàng chẳng muốn cho họ vay thêm”, hãng này cũng cho biết thêm.
Theo Trí Thức Trẻ