Quan trọng nhất là nỗ lực nâng cao chất lượng cho nông sản XK
Hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đã có sự phục hồi tương đối khả quan. Sau năm 2015 gặp rất nhiều khó khăn, dự kiến năm nay, kim ngạch XK nhóm hàng này sẽ có nhiều khởi sắc.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 9,7%
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK nhóm nông - lâm - thủy sản ước đạt 2,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch XK. Trừ mặt hàng sắn, lượng XK các mặt hàng trong nhóm nông - lâm - thủy sản đều tăng. Trong đó, một số mặt hàng có lượng XK tăng cao là nhân điều, gạo, cà phê....
Sau năm 2015 gặp rất nhiều khó khăn, những tháng đầu năm 2016, nhiều mặt hàng chủ lực trong nhóm nông - lâm - thủy sản đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Cụ thể, với mặt hàng gạo, 2 tháng đầu năm 2016, khối lượng XK ước đạt 1,01 triệu tấn với giá trị 445 triệu USD, tăng gấp gần 2 lần cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Theo dự báo của các chuyên gia, XK gạo năm nay sẽ tương đối “dễ thở” khi nhu cầu thế giới tăng cao do hiện tượng El Nino toàn cầu. Riêng với mặt hàng thủy sản, giá trị XK 2 tháng đầu năm đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam.
Dự báo, năm 2016, XK nông - lâm - thủy sản nói chung sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, cải thiện cơ cấu sản phẩm, mở rộng áp dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Đặc biệt, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết và chính thức có hiệu lực dự kiến sẽ mang lại lực đẩy mạnh mẽ cho các nhóm hàng. Trong năm nay, một trong những thị trường XK trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, các mặt hàng nông - lâm - thủy sản dù trong hoàn cảnh nào cũng có sự ổn định nhất định về nhu cầu thị trường. Các thị trường như Mỹ, Đức... trong năm tới vẫn là thị trường ổn định cho các mặt hàng tôm, cá tra, gạo... Việt Nam. Điều cốt yếu là chính sách điều hành ra sao để các DN có thể khai thác tốt thị trường và các cơ hội từ hàng loạt FTA đã ký kết.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Cơ hội lớn là vậy nhưng khó khăn mà DN phải đối mặt là áp lực cạnh tranh đến từ hàng loạt quốc gia XK khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.... Bên cạnh đó, khi các FTA có hiệu lực, hàng loạt rào cản về kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ đối với nông sản sẽ được áp dụng. Đặc biệt, khi hội nhập, một lượng lớn hàng hóa từ nước ngoài sẽ đổ vào thị trường Việt Nam. Đây là một thách thức lớn cho các sản phẩm của Việt Nam khi phải trực tiếp cạnh tranh tại chính thị trường nội địa.
Theo các chuyên gia, để tận dụng thời cơ từ quá trình hội nhập, công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần được đặt lên hàng đầu. Sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần được tăng cường, trong đó vai trò của hệ thống thương vụ tại nước ngoài cần đặc biệt được coi trọng. Doanh nghiệp cũng được khuyến cáo nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa XK để đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt từ 39-40 tỷ USD, định hướng trước mắt và lâu dài vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại, đặc biệt là theo hướng bền vững, lâu dài. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng XK, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các mặt hàng là yêu cầu tất yếu. Điều này được khẳng định trong Chiến lược xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2025.
“Thời gian qua, ta đã chứng kiến nhiều mô hình thành công trong lĩnh vực nông nghiệp như mô hình TH đầu tư vào đàn bò sữa; VinGroup đầu tư vào mô hình rau an toàn; Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…. Đây là những mô hình cần được nhân rộng để nâng cao sức cạnh tranh của nhóm hàng nông sản”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Song song với những nỗ lực của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có cơ chế điều hành linh hoạt, mang lại môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp như tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức, hướng dẫn thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng những vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tiếp tục áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp...
Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập; TPP ký kết thành công đang mở ra cơ hội XK rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam với một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Để nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp chất lượng và quy mô sản xuất nhằm đạt các chuẩn mực mà thị trường đòi hỏi. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh việc thay đổi phương thức, quy mô sản xuất nhằm đạt được các chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm kiếm chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa cũng như tăng khả năng XK. |
Phương Lan / ven.vn