Xuất khẩu (XK) nhóm hàng nông, lâm, thủy sản dự báo có nhiều khởi sắc hơn trong năm 2016 do nhu cầu thị trường tăng, một số hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu hiệu lực… Nhằm “tiếp sức” cho các doanh nghiệp (DN) ngành hàng này, nhiều giải pháp đã được Bộ Công Thương đề ra.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được "tiếp sức" trong năm 2016 |
Triển vọng lớn
Chia sẻ về triển vọng XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong năm 2016 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phân tích: Bên cạnh một số mặt hàng gặp khó khăn, vẫn có những mặt hàng có cơ hội tăng trưởng XK trong năm 2016. Đơn cử, vừa qua một số nước gặp hạn hán, mất mùa - đây là cơ hội để DN đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, gia tăng XK. Các mặt hàng khác như: Hạt điều, tiêu, rau quả… vẫn sẽ có kim ngạch XK tăng cao do nhu cầu thị trường tương đối lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cơ hội khai thác tốt thị trường để tăng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản vẫn còn tương đối lớn trong năm 2016 và các năm tiếp theo bởi những mặt hàng này luôn có sự ổn định nhất định về nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, khi các FTA đã ký kết thời gian qua dần có hiệu lực, cơ hội XK càng tăng lên mạnh hơn khi nông, lâm, thủy sản được hưởng những ưu đãi lớn về thuế, tăng sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.
Hỗ trợ doanh nghiệp qua 4 nhóm giải pháp
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: DN XK nông, lâm, thủy sản nói riêng và DN XK nói chung của nước ta hầu hết là DN nhỏ và vừa, quy mô tín dụng nhỏ, chất lượng và trình độ công nghệ thấp, năng lực đội ngũ nhân công chưa cao, kinh nghiệm trong thương mại và hội nhập quốc tế còn hạn chế. Vì vậy, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã và đang tập trung hỗ trợ DN thông qua 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, cung cấp thông tin tuyên truyền về hội nhập cho cộng đồng DN. Trong đó, tập trung trọng tâm vào từng nhóm đối tượng, từng ngành hàng cụ thể để làm sao giúp DN có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các cam kết, khung khổ hội nhập, hiểu kỹ và kịp thời các chính sách vĩ mô, cơ chế của Chính phủ để chủ động chiến lược kinh doanh và phát triển.
Thứ hai, Bộ Công Thương tiếp tục tham gia giữ ổn định môi trường kinh doanh cho DN thông qua việc tiếp tục minh bạch, công khai hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh thông tin thị trường, thông tin về đối tác đồng thời tạo ra sự kết nối giữa DN với thị trường nước ngoài thông qua cơ quan đại diện, thương vụ để khai thác có hiệu quả các cơ hội XK.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sao cho thực sự phù hợp với các khung khổ hội nhập và năng lực, trình độ của DN; kết nối DN vừa và nhỏ với nhau thành các chuỗi, nhóm để dễ dàng ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững sản phẩm.
Thứ tư, khi FTA có hiệu lực, hàng rào kỹ thuật gia tăng, xu thế bảo hộ mậu dịch của các nước sẽ nhiều hơn, DN có thể vấp phải nhiều vụ kiện thương mại. Do đó, hỗ trợ DN về pháp lý, giải quyết tranh chấp thương mại trong các vụ kiện, chống bán phá giá, chống trợ cấp, biện pháp phòng vệ thương mại của các quốc gia... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Công Thương sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Cơ hội từ các FTA là có, tuy nhiên, để tận dụng tốt nhất cơ hội này, yếu tố then chốt phải nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua tái cơ cấu, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Bên cạnh sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, việc này chỉ thực hiện được nếu cộng đồng DN chủ động, nỗ lực. |
(Theo Phương Lan - Báo Công Thương)