Bộ Công Thương cho hay trước tình hình xuất nhập khẩu gặp khó Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Bộ Công Thương
Trong Công thư gửi ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã nhận được thông tin Sở Thương mại Vân Nam thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn từ tháng 7-2021 do lo ngại tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung cơ bản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Vân Nam. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe mỗi ngày.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng chỉ cần cơ quan chức năng cửa khẩu và doanh nghiệp hai bên tiếp tục tuân thủ nghiêm quy trình thông quan hàng hóa đã được khẳng định hiệu quả trong hơn 1 năm qua, thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc quan tâm, chỉ đạo tỉnh Vân Nam khẩn trương dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các địa phương biên giới Việt Nam tiếp tục thực hiện vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định lưu thông hàng hóa.
Trong Công thư gửi tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Vương Dư Ba, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Tỉnh trưởng quan tâm, chỉ đạo chính quyền các địa phương có cửa khẩu biên giới với Việt Nam nhanh chóng khôi phục thông quan nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam, trong đó có thanh long. Để từ đó góp phần duy trì ổn định lưu thông hàng hóa và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bộ Công Thương cũng cho hay đã có Công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp cấp bách tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó Bộ Công Thương đề nghị Lạng Sơn tiếp tục rà soát để hoàn thiện hơn nữa quy trình giao nhận, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh nhưng không gây trở ngại, gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương coi đây là biện pháp cốt lõi bởi chỉ khi yên tâm về quy trình giao nhận an toàn, cả hai Bên mới có thể tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Riêng với cửa khẩu phụ Tân Thanh, để giảm bớt tình trạng ùn tắc, tồn đọng phương tiện do quy trình giao nhận mới, Bộ Công Thương đề nghị UNBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức phân loại phương tiện ngay tại các bãi tập trung; chỉ cho lên cửa khẩu những xe đã có khách tiêu thụ rõ ràng để không tồn đọng quá lâu bên phía Trung Quốc. Yêu cầu lái xe chuyên trách tuyệt đối không nhận ủy quyền “trông nom” và “bán hộ hàng” bên kia biên giới.
Đối với các loại xe không thông dụng với lái xe Trung Quốc, đề nghị soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng phương tiện ngắn gọn bằng tiếng Trung và để trong xe để giúp lái xe Trung Quốc tiện tra cứu, sử dụng.
Bộ Công Thương cho hay đã có nhiều văn bản cung cấp thông tin, đồng thời khuyến nghị các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp chủ động điều tiết luồng hàng lên các tỉnh biên giới phía Bắc để tránh nguy cơ ùn tắc, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu.
Theo đó đề nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch và chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng (địa chỉ tiêu thụ rõ ràng).
Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Bộ Công Thương ngày 23-8 cũng đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi về tình hình thương mại Việt Nam – Trung Quốc và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, thông quan các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.