Theo dự báo của HSBC, năm 2016, Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mình đi từ đầu tư, hướng tới một mô hình tăng trưởng tiêu dùng dẫn đầu và di chuyển lên chuỗi giá trị, dẫn đến cơ cấu nhập khẩu sẽ thay đổi theo.
Dự báo, tỷ trọng nhập khẩu hàng lương thực, thực phẩm của Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường này.
Nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Trung Quốc
Nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc trong thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của gần 1,4 tỷ người dân. Các sản phẩm nông sản Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu gồm: ngũ cốc, bông và đường ăn, các loại hạt có dầu và dầu thực vật, rau quả và trái cây, sản phẩm gia súc gia cầm…
Thị trường lớn và đa phân khúc
Những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên trở thành một trong các thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam với kim ngạch tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây (từ năm 2011 đến 2015) đạt trên 30% và chiếm tỷ trọng khoảng 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 5 tỷ USD. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu nông sản đối với nhóm hàng rau quả sang các nước tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gồm: rau quả, nhân điều, cà phê, chè các loại, gạo, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn.
Có thể nói, với dân số gần 1,4 tỷ dân, đa phân khúc thị trường, Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là thị trường vô cùng lớn và rất tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng. Với chính sách tăng cường và mở rộng quy mô nhập khẩu của Trung Quốc trong thời tới, đồng thời tận dụng và phát huy lợi thế bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng nông sản giữa hai nước cũng như vị trí địa lý gần gũi thuận tiện cho vận tải, hàng nông sản của Việt Nam được dự báo sẽ có rất nhiều cơ hội để thâm nhập và tăng cường thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này. Dự báo xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thể sẽ tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với con số 5 tỷ USD hiện nay, nếu được thực hiện theo đường chính ngạch bằng các hợp đồng thương mại.
8 lưu ý với DNVN
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý và có giải pháp nhằm phát triển xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một cách ổn định và bền vững. Cụ thể:
Thứ nhất, chính sách biên mậu của Trung Quốc vẫn mang nặng yếu tố bảo hộ, thường là các chính sách hạn chế phổ biến trong một chính sách ưu đãi thương mại đơn phương, không ràng buộc. Do vậy, chúng ta cần phải thường xuyên cập nhật và đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm cảnh báo cho doanh nghiệp.
Thứ hai, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Câu chuyện “được mùa – mất giá”, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt Nam cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua. Trung Quốc lại là quốc gia có hệ thống chính sách thương mại 2 tầng (Thể chế chính sách Trung ương và cơ chế chính sách thương mại địa phương).
Do đó, chúng ta phải tăng cường đầu tư nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc nhằm nắm bắt sớm những động thái có thể xảy ra, như đưa ra các biện pháo kỹ thuật và thủ tục hành chính để gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế được những thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.
Thứ ba, hạ tầng kỹ thuật cho thương mại biên giới nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu; chưa có hệ thống đồng bộ các thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quản lý thương mại biên giới; các phương thức kinh doanh thương mại biên giới còn nghèo nàn, thiếu những dịch vụ hỗ trợ thương mại cơ bản tại cửa khẩu…
Thứ tư, có thể thành lập ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Mời trực tiếp các doanh nghiệp , cơ quan xúc tiến thương mại, chuyên gia của Trung Quốc sang giúp nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa theo qui chuẩn chất lượng.
Thứ năm, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng các hình thức hoạt động kinh doanh như tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, lưu kho ngoại quan tăng cường khả năng thâm nhập thị trường nông sản Trung Quốc.
Thứ sáu, phối hợp cùng với việc mở rộng mặt hàng kinh doanh xuất nhập khẩu hiện có thế mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc để ký hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu ổn định.
Thứ bảy, phát triển hệ thống phân phối trên thị trường Trung Quốc. Thâm nhập kênh phân phối bán buôn thông qua việc thiết lập Cty liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc.
Thứ tám, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải thay đổi sang phương thức chính ngạch bằng các hợp đồng thương mại, để xuất khẩu nông sản vào thị trường này mang tính ổn định và bền vững.
TS. Lê Huy Khôi
Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường
Viện Nghiên cứu Thương mại
Bộ Công Thương