Việc không cập nhật và thực thi các quy định, yêu cầu mới theo Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) đã khiến cả nghìn doanh nghiệp Việt Nam bị từ chối xuất khẩu vào Mỹ.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ trầy trật hơn do vướng quy định về an tòn thực phẩm theo FSMA. |
Giật mình với 1.000 doanh nghiệp bị từ chối vào Mỹ
1.000 doanh nghiệp bị từ chối xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ là con số đã được đưa ra tại Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu với chủ đề "Phát triển thị trường cho hàng Việt Nam" do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, đã khiến không ít người giật mình.
Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, những quy định mới về xuất khẩu vào Mỹ đáng lẽ phải nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhưng thực tế thì chưa hẳn như vậy. Điều này khiến hàng Việt xuất khẩu vào Mỹ thêm trầy trật hơn.
Ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch AmCham Vietnam cho hay, nếu trong tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thì tới tháng 1/2017, con số này giảm xuống chỉ còn 806 nhà máy.
“Do có hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới này, đã không gia hạn đăng ký, nên tuột khỏi danh sách và hiện nay họ không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ”, đại AmCham Vietnam xác nhận.
Luật FSMA đã được ban hành từ năm 2011 và hiện đang được thi hành, trong đó có Luật an toàn thực phẩm và kế hoạch an toàn thực phẩm dành cho các cơ sở sản xuất chế biến và chương trình xác minh nhà nhập khẩu nước ngoài tự nguyện dành cho nhà nhập khẩu của Mỹ… Hệ thống ATTP mới theo FSMA tiếp cận việc giải quyết vấn đề ATTP thông qua phòng ngừa mọi rủi ro liên quan đến ATTP trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển và đưa ra sản phẩm ra thị trường chứ không thuần túy kiểm tra sản phẩm cuối cùng đến cảng của Mỹ như trước đây. Theo quy định mới, thực phẩm muốn nhập khẩu vào Mỹ phải đăng ký mã số kinh doanh mới, nhà cung ứng phải lựa chọn nhà đại diện nhập khẩu tại Mỹ. Nhà nhập khẩu có nhiệm vụ tiến hành rà soát thường xuyên tình trạng tuân thủ của nhà cung ứng trước khi nhập khẩu thông qua các công cụ chế tài như Thư cảnh báo FDA (Warning Letter) khi một chuyến hàng vi phạm, Cảnh báo nhập khẩu của FDA (Import Alert) khi vi phạm liên tục nhiều chuyến hàng... |
8 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 8 tháng đạt 27,2 tỷ USD, tăng 9,7%.
Dẫu vậy, đường xuất khẩu vào Mỹ ngày càng khó, bởi những quy định ngặt nghèo của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA).
FSMA có tinh thần cốt lõi là chuyển trọng tâm từ đối phó nhiễm bẩn thực phẩm sang phòng chống nhiễm bẩn thực phẩm. Luật này không chỉ quan tâm đến kiểm tra chất lượng đầu cuối mà quy định chi tiết và chặt chẽ cả chuỗi sản xuất thực phẩm, từ trang trại đến bàn ăn.
Luật cũng yêu cầu nhà nhập khẩu tham gia Chương trình kiểm tra nhà cung ứng nước ngoài (FSVP). Nghĩa là các đơn vị tại Mỹ muốn nhập khẩu sẽ phải kiểm tra kỹ hơn về nguồn hàng từ Việt Nam so với trước.
Trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩn Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, chưa thích ứng được với thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ.
Không giống như các tiêu chuẩn tự nguyện, việc tuân thủ các quy định về FSMA là bắt buộc với các doanh nghiệp Việt nếu còn muốn xuất khẩu sang Mỹ.
Nông sản, thủy sản còn mệt
Ngành nông nghiệp, thủy hải sản và thực phẩm lại giá trị xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 cho biết, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản sang Mỹ như: tôm đông lạnh, fillet cá tra, basa, cá ngừ chế biến, thịt cua (ghẹ) chế biến, cà phê, hạt điều, hạt tiêu... với kim ngạch xuất khẩu nông sản, thuỷ sản (kể cả hàng đã chế biến) sang Mỹ đạt khoảng trên 3 tỷ USD, trong đó 1,44 tỷ USD là hàng thủy sản.
Ở quy mô ngành, nông nghiệp, thủy hải sản và thực phẩm hiện chiếm khoảng 46% lực lượng lao động của Việt Nam, đem lại giá trị xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam, chỉ riêng ngành thủy sản đã đạt 7 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2016
Mặc dù kim ngạch nhập khẩu nông sản, thủy sản của Mỹ rất lớn và có xu hướng tăng cao, nhất là thủy sản và rau quả nhiệt đới đóng hộp; song tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong vài ba năm tới có thể sẽ không cao.
Nguyên nhân là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, basa đều đang phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bị hạn chế tiêu thụ ở một số bang.
Nghiêm trọng hơn, với nhiều quy định bắt buộc từ FSMA, các chuyên gia quan ngại rằng, việc thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ trong thời gian tới.
Thực tế, đã có những lô hàng nông thủy sản xuất khẩu nước ta bị trả về từ Mỹ. Số liệu từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), 4 tháng đầu năm 2016, có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Mỹ là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng đây là thị trường yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn năm 2016 - 2017 là thời gian quan trọng triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường.
“Các doanh nghiệp cần tăng cường nâng cao thực thi pháp luật như Luật An toàn thực phẩm, thú y, ngành hàng thủy hải sản….Để có đường xuất khẩu vào Mỹ, không còn con đường nào khác”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Thế Hải / baodautu