Giá tăng nhờ... hạn hán
Năm 2014, 2015 chứng kiến sự suy giảm đáng kể của nhóm hàng nông thủy sản sau nhiều năm tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2016, dù không tăng chóng mặt nhưng nhiều mặt hàng nông thủy sản đã lấy lại đà hồi phục. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản trong quý I đạt 6,73 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là xu hướng được cho là khá tích cực trong xu thế xuất khẩu của các nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhiên liệu khoáng sản tăng chậm lại so với cùng kỳ, thậm chí là sụt giảm.
Điển hình nhất là mặt hàng gạo có kim ngạch xuất khẩu tăng "đột biến" cả về lượng lẫn giá trị. Theo đó, xuất khẩu gạo tháng 3 ước đạt 629.000 tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn với 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Mặt hàng thủy sản cũng được coi là động lực chính để thúc đẩy sự tăng trưởng xuất khẩu của cả nhóm hàng, trong đó phải kể đến mặt hàng tôm. Xuất khẩu thủy sản trong quý I-2016 ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Song riêng mặt hàng tôm, chỉ tính đến tháng 2, giá trị xuất khẩu tôm đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, "giá tôm xuất khẩu đang tăng 4-5%", ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói. Tuy nhiên, do giá tôm tăng mạnh nên nhiều thị trường không hấp thụ được dẫn tới có sự tăng trưởng không đồng đều ở các thị trường xuất khẩu tôm, một số thị trường tăng nhưng một số thị trường cũng sụt giảm.
Một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng tăng trưởng khá như: Xuất khẩu cà phê sau thời gian dài sụt giảm cũng đã tăng trưởng trở lại với mức tăng 30,2% về khối lượng và tăng 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 479.000 tấn và 808 triệu USD; Xuất khẩu cao su 3 tháng đạt 233.000 tấn với 263 triệu USD, tăng 19,2% về khối lượng nhưng giảm 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, Xuất khẩu nông thủy sản 3 tháng có tiến triển nhờ tín hiệu tăng giá do cung cầu có sự thay đổi. Một số mặt hàng nói trên là những dẫn chứng điển hình nhất. Phân tích rõ hơn ông Tuấn cho hay, trên thế giới một số nước cũng chịu tác động của hiện tượng El Nino, diễn biến bất thường của thiên tai, hạn hán nên đã tác động đáng kể đến nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn thế. Chưa kể đến, sau 1 năm bị giá thấp, nhiều người có tâm lý không muốn trồng, nuôi loại nông sản đó đã làm giảm nguồn cung. Mặt khác, do tác động thiên tai hạn hán, một số nước có tâm lý mua vào để tích trữ cũng tạo hiệu ứng cho việc tăng giá. Đồng tình với quan điểm trên, ông Hòe cho biết, giá tôm mấy tháng đầu năm tăng là do vấn đề cung cầu thế giới và nhu cầu thị trường.
Lo nguồn cung
Dù có đôi chút phấn khởi về tình hình xuất khẩu nông thủy sản khi xuất khẩu được giá, người nông dân được hưởng lợi nhờ giá nhưng ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) tỏ ra lo lắng: "Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa của Việt Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung lúa gạo cũng như thủy sản. Đây là việc chúng tôi rất lo ngại".
Trước tiên, do hạn hán, xâm nhập mặn nên lượng nông thủy sản cho XK cũng bị giảm, tác động đáng kể đến mục tiêu xuất khẩu của nhiều ngành, nhất là gạo, thủy sản. Có lẽ lo ngại này xuất phát từ những con số báo cáo của các bộ, ngành. Ví dụ, theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Đã có khoảng hơn 2.000 ha thuộc vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến bị thiệt hại, nhiều hộ sản xuất không dám thả nuôi theo lịch mà chỉ thả nuôi ở mức độ thăm dò.
Bên cạnh đó, phía DN cũng cho rằng, tình trạng thiếu nguồn cung ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh, xuất khẩu của DN. Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, các công ty lương thực đang phải mua lúa gạo với giá rất cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài thời điểm giá còn thấp.
Như vậy, việc thiếu nguồn cung do hạn hán, xâm nhập mặn không chỉ gây khó khăn cho DN xuất khẩu mà còn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, XK nhóm mặt hàng nông thủy sản trong năm 2016. Do vậy, việc cần làm trước mắt là phải chuyển đổi mô hình canh tác ở vùng có hạn hán, xâm nhập mặn, tức là tìm cách “sống chung với lũ”. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, ở những vùng hạn, mặn có thể chuyển sang trồng cây lúa trong môi trường nước lợ, nuôi trồng thủy sản hoặc xen canh lúa với cá, lúa với tôm. Mô hình này đã được nhiều địa phương áp dụng và thành công.
Tuy nhiên, muốn xuất khẩu nông thủy sản có vị thế vững chắc thì còn phải khắc phục được những điểm yếu cố hữu của ngành là xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, nhằm vào những thị trường dễ tính, dễ bị ép giá. Muốn làm được việc này cần đưa khoa học công nghệ vào, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ…
Theo Báo Hải quan