Nước dừa đang trở thành một mặt hàng có mức tiêu thụ tăng trưởng tốt trên thế giới. Điều này đang mở ra cơ hội cho việc xuất khẩu nước dừa của Việt Nam.
Thu hoạch dừa ở Bến Tre
Tại một cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ NN-PTNT về xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Giám đốc điều hành Công ty Liên kết nông nghiệp toàn cầu (GAL), cho biết, nhu cầu nhập khẩu nước dừa tươi đang rất lớn ở nhiều thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Úc…
Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, nước dừa tươi đang là một trong những mặt hàng thu hút đông đảo người tiêu dùng. Hiện tại, 2 nguồn cung cấp chủ yếu nước dừa tươi cho thị trường Mỹ là Thái Lan và Philippines. Tuy nhiên, do nhu cầu ở Mỹ tăng mạnh nên nguồn cung từ 2 nước này không đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp Mỹ. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tích cực tìm kiếm nguồn cung nước dừa tươi từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Để xuất khẩu nước dừa tươi sang những thị trường nói trên, có 2 cách là lấy nước dừa tươi đóng vào lon, hộp hoặc xuất khẩu nguyên trái dừa đã lột vỏ. Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền tách nước dừa tươi đóng hộp. Đây là cơ sở để có thể tiến hành đẩy mạnh xuất khẩu nước dừa tươi của nước ta, nhất là nước dừa ở Bến Tre.
Mới đây, một doanh nghiệp ở Bến Tre là Công ty Betrimex đã thử nghiệm xuất khẩu nước dừa tươi đóng hộp sang một số thị trường như EU, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…, và đã có những phản hồi tích cực từ khách hàng.
Trên cơ sở đó, Betrimex đang xúc tiến xuất khẩu nước dừa đóng hộp vào các thị trường quan trọng và có nhu cầu lớn như Mỹ, Canada… Betrimex cũng đã đầu tư một nhà máy sản xuất nước dừa tươi đóng hộp trị giá 20 triệu USD, công suất 37 triệu lít/năm, trong đó dự kiến xuất khẩu 60-65%.
Tuy mới thử nghiệm xuất khẩu nhưng chất lượng nước dừa tươi đóng hộp của Việt Nam đã được khách hàng nước ngoài đánh giá tốt. Với sản lượng dừa đứng hàng thứ 8 thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nước dừa tươi với khối lượng lớn của nhiều thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đa dạng hơn trong việc đóng hộp để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều khách hàng.
Bà Huỳnh Thị Kim Quyên cho hay, nhiều nhà nhập khẩu ở Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Singapore… có nhu cầu nước dừa tươi đóng hộp với kích cỡ 1 lít. Sở dĩ họ có nhu cầu như vậy vì nhiều quán cà phê, giải khát ở những nước này có nhu cầu lớn về nước dừa tươi để pha chế nhiều loại nước giải khát hay bán những ly nước dừa lớn cho khách. Chính vì vậy, họ cần những chai nước dừa tươi đóng hộp cỡ lớn (1 lít trở lên giống như chai nước Coca Cola cỡ lớn) để sử dụng vừa tiện, vừa giảm chi phí. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ làm nước dừa tươi đóng hộp loại 330 ml.
Bà Quyên khẳng định nếu các doanh nghiệp Việt Nam làm được nước dừa tươi đóng hộp loại 1 lít, chắc chắn sẽ có cơ hội thâm nhập được vào những thị trường nói trên. Một số nhà nhập khẩu đã cho biết nếu có doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu như trên, họ sẽ đặt mua ngay 1 container và sau đó sẽ mua với số lượng lớn.
Cũng theo bà Quyên, nhiều DN Mỹ có nhu cầu nhập khẩu dừa tươi nguyên trái (chỉ bóc vỏ ngoài) để bán cho người tiêu dùng trực tiếp. Nhưng có một yêu cầu đặt ra là trái dừa phải bảo quản được 3 tháng (không ngả màu, không giảm chất lượng nước bên trong) vì thời gian vận chuyển mất 1 tháng, thời gian để trong kệ của siêu thị phải 2 tháng để đảm bảo tiêu thụ được. Yêu cầu này không dễ đáp ứng được, nhất là trong việc làm sao có được những chất bảo quản vừa đáp ứng yêu cầu bảo quản như trên mà không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ Mỹ.
Theo Nông nghiệp Việt Nam