Nhật Bản và Hàn Quốc có nhu cầu thu mua cùi bắp làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm với số lượng rất lớn.
Cùi bắp xay để xuất khẩu - Ảnh: Kim Nghĩa cung cấp |
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nghĩa (Long An), cho biết ngoài mặt hàng bã mía, phía Nhật Bản và Hàn Quốc còn có nhu cầu mua cùi bắp rất lớn, lên đến hàng ngàn tấn mỗi tháng. Trước đây họ nhập mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc, nhưng bây giờ từng bước thay đổi nguồn cung mới.
Tranh nhau mua
Bà Nguyễn Ngọc Thùy Sơn, Giám đốc Công ty TNHH - SX - TM - DV - XNK Con Bò Vàng, cho biết: “Cùi bắp được xay mịn với kích cỡ trung bình từ 1 - 5 mm, ép thành khối, được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc phân bón. Chỉ tính riêng về nhập khẩu cùi bắp, nhu cầu của Nhật Bản mỗi năm lên đến 250.000 tấn. Nhu cầu của Hàn Quốc còn cao hơn nhiều, tuy nhiên khả năng đáp ứng của VN hiện nay còn rất thấp, chỉ khoảng 5%”.
Theo bà Thùy Sơn, những năm gần đây các nhà nhập khẩu Nhật Bản và Hàn Quốc chuyển hướng sang VN vì nhiều lý do, trong đó một phần do các nhà xuất khẩu Trung Quốc liên tục tăng giá. Tuy nhiên, VN khó tận dụng cơ hội này vì cách thức sản xuất manh mún nhỏ lẻ khiến các doanh nghiệp chế biến rất khó thu mua nguyên liệu. Cùi bắp trước đây thuộc dạng phế phẩm bỏ đi hoặc được tận dụng rất ít để làm chất đốt. Nhưng những năm gần đây giá công ty thu mua cùi bắp cứ tăng dần từ 1.000 - 2.000 đồng/kg mà vẫn không đủ nguyên liệu để sản xuất. Hiện tại nhà máy chế biến sản phẩm của công ty có khả năng sản xuất từ 1.000 - 1.500 tấn.
“Hiện nay có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này làm cho nguồn nguyên liệu càng khan hiếm. Đầu ra cũng có sự cạnh tranh mạnh về giá, chính vì vậy chất lượng không ổn định. Điều này rất nguy hiểm vì các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cần sự ổn định về giá cả và chất lượng; nếu không họ sẽ sang các nước lân cận thu mua dù giá cao hơn”, bà Thùy Sơn cảnh báo.
Thu ngoại tệ từ “đồ bỏ”
Năm 2009, thấy được tiềm năng to lớn của việc chế biến các sản phẩm từ phụ phẩm xuất khẩu, bà Thùy Sơn đã nắm bắt ngay cơ hội này. Ngoài cùi bắp, Công ty Con Bò Vàng còn xuất khẩu bắp ủ chua, vỏ dứa ủ chua, vỏ lụa hạt điều, vỏ cà phê, vỏ đậu nành, ngọn mía, bã mì, mùn cưa... Bà Thùy Sơn cho biết: Hiện nay cùi bắp rất khó thu mua và việc sản xuất tốn nhiều công đoạn nên sản lượng không cao bằng sản phẩm bắp ủ chua. Nếu trồng bắp lấy hạt mất 120 ngày thì trồng bắp ủ chua xuất khẩu chỉ cần 80 - 90 ngày mà lợi nhuận lại cao hơn nhiều. Cụ thể 1 ha trồng bắp lấy hạt năng suất khoảng 5 tấn, thu nhập khoảng 20 triệu đồng thì trồng bắp ủ chua do thu mua cả cây nên năng suất khoảng 50 tấn với giá thu mua từ
700 - 800 đồng/kg nên thu nhập khoảng 35 triệu đồng. Trồng bắp bán cây bà con nông dân còn được lợi là chúng tôi đặt cọc trước. Đến khi thu hoạch thì cho người vào thu hoạch, bà con nông dân không phải tốn thêm công lao động. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có thể phối trộn với bã dứa, bã mía, bã bia khô, bã mì... Bắp ủ chua được bảo quản trong môi trường yếm khí sẽ lưu trữ được lâu ngày. “Mỗi tháng đơn vị của chúng tôi có khả năng cung cấp đến 100 container sản phẩm loại này”, bà Thùy Sơn cho biết.
“Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước có trình độ phát triển rất cao và từ nhiều năm trước họ đã nghiên cứu tận dụng tất cả các loại phế phẩm của quy trình sản xuất này cho quy trình khác. Việc họ tận dụng các phế phẩm nông nghiệp là một ví dụ. Họ đã tận dụng hết các loại phế phẩm ở trong nước nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nên buộc lòng phải nhập khẩu từ các nước lân cận. Việc các nước này nhập khẩu các loại phế phẩm cũng giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều, các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi của VN cũng bắt đầu sử dụng các sản phẩm này”, bà Thùy Sơn bình luận.
Chí Nhân / Thanh Niên