Trong khi một số doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng vì giá cước tàu biển tăng, các đơn vị có thị phần cao thắng lớn nhờ xuất khẩu phục hồi.
Số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng hơn 21%, đạt gần 2,4 tỷ USD. Nhờ thuận lợi này, nhiều công ty báo kết quả kinh doanh quý II khả quan.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) mang về hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu và hơn 260 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 41% và 16% so với quý II/2020. Theo báo cáo hoạt động xuất khẩu hàng tháng, nửa đầu năm, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng ở hầu hết thị trường, trong đó lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khả quan góp phần lớn vào doanh thu của Vĩnh Hoàn.
Cũng có động lực từ phục hồi xuất khẩu, Công ty cổ phần Kiên Hùng (KHS) vừa công bố lãi ròng trong quý II tăng đến hơn 10 lần. Thời gian qua, nhu cầu của khách hàng tại châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tạm thời phục hồi và ổn định lại. Công ty cũng chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá cả cạnh tranh để duy trì sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, công ty con là Thủy sản Aoki chuyển từ lỗ sang lãi cũng góp phần mang về hơn 20 tỷ đồng lãi ròng cho Kiên Hùng.
Tương tự với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) khi nửa đầu năm có kết quả kinh doanh tăng trưởng chủ yếu nhờ sản lượng và doanh số xuất khẩu khả quan ở cả nhóm thủy sản và nông sản. Riêng quý II, lợi nhuận tăng trưởng 58% phần lớn nhờ vào hiệu quả thu hoạch tôm tự nuôi.
Chưa công bố kết quả kinh doanh, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) trước đó ước tính 6 tháng đầu năm có thể thu về hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tức tăng khoảng 11% so với cùng kỳ. Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp này giữ ngôi đầu bảng về xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm.
Công nhân đang chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cửu Long.
Nhưng không phải doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nào cũng có kết quả khả quan, một phần do họ không giải quyết được bài toán cước phí vận tải biển lập đỉnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), đến tháng 5, ở một số cảng, giá vận tải đã tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020. Ngoài ra, cuối tháng 10 năm ngoái, nhiều hãng tàu vận tải container đồng loạt gửi thông báo đến các khách hàng yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (RR - phí trả lại container) với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Mức tăng là 50 - 200 USD một container và áp dụng chỉ vài ngày sau ngày gửi thông báo.
Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) là một ví dụ. Doanh thu trong quý II tăng hơn 20% nhưng lãi ròng lại giảm 26% so với cùng kỳ. Lợi nhuận giảm do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh, trong đó, chi phí bán hàng tăng hơn 137% chủ yếu do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều.
Lợi nhuận giảm nặng hơn là Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (THP). Trong quý II, doanh nghiệp này lãi 10 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ do chi phí bán hàng tăng mạnh. Thuận Phước công bố, chi phí cước biển tăng gần 300% khiến công ty phải tốn 26 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh, Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (AAM) ghi nhận chi phí bán hàng hơn 1,4 tỷ đồng, tức tăng hơn 32% so với quý II năm ngoái, chủ yếu là cước tàu. Chi phí cước tàu tăng cùng với giá bán thấp là nguyên nhân chính gây ra khoản lỗ hơn 3 tỷ đồng trong kỳ, nâng khoản lỗ hai quý liên tiếp lên hơn 4 tỷ đồng.
Đầu tháng 7, VASEP đã cầu cứu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng xem xét tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận chuyển tàu biển như trước tháng 11/2020.