Mặc dù, sự bất ổn của thị trường Trung Quốc, nơi Việt Nam đang xuất khẩu lợn hơi (lợn sống) với 100% đều là tiểu ngạch đã được dự đoán từ trước và chỉ có thể "giải" bằng con đường chính ngạch, nhưng Việt Nam vẫn khó có thể đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm hay kiểm soát dịch bệnh để "giải bài toán" này.
Những xe tải chở lợn hơi xuất khẩu (Ảnh minh hoạ) |
Theo báo cáo kết quả triển khai các giải pháp tiêu thụ thịt lợn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi của Việt Nam và các nước trong khu vực, nhất là của Trung Quốc biến động nhiều và tăng cao trong năm 2015-2016 nhưng đã giảm đột ngột ở thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017 gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Được biết, mặc dù giá lợn hơi của Việt Nam và các nước trong khu vực thuộc tốp cao so với các nước Châu Âu và châu Mỹ nhưng lại chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc.
Kể từ 10/2016 khi Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt lợn theo đường tiểu ngạch khiến cho giá lợno ở Việt Nam tụt dốc không phanh, và mãi đến tháng 5/2017 mới có dấu hiệu hồi phục một phần nhỏ.
Đó là thời điểm, triển khai thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì giá lợn hơi trong nước mới tăng lên từ 5000-7000 đ/kg, giúp người chăn nuôi lợn trong nước đỡ thua thiệt từ 1.500- 2.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên giá lợn hơi trong nước chỉ mới tăng cao trở lại ở mức mà người chăn nuôi bắt đầu hòa vốn và có lãi chút ít vào đầu tháng 7 trở lại đây, khi giá lợn hơi tiêu chuẩn đạt 36.000 - 38.000 đ/kg.
Làm sau xuất khẩu lợn sống mãi được?
Cũng theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, việc giá lợn giảm sốc cũng là do phần lớn lợn xuất khẩu của Việt Nam đều là lợn hơi (lợn sống) xuất qua đường tiểu ngạch.
Việc xuất khẩu lợn hơi (lợn sống) của Việt Nam tăng dần những năm gần đây và tăng đột biến vào năm 2016, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, một phần sang Camphuchia với 100% lợn hơi xuất khẩu đều là tiểu ngạch.
Từ quý 4/2016 lợn hơi xuất khẩu giảm dần và giảm nhanh trong các tháng đầu năm 2017, đến thời điểm hiện nay hầu như mặt hàng này xuất khẩu không còn đáng kể.
Còn mặt hàng thịt lợn xuất khẩu (lợn sữa và lợn choai) đông lạnh tăng đều qua các năm. Thị trường chính ngạch là HongKong và Singapore sản phẩm xuất khẩu có nhãn hiệu Made in Vietnam, trong đó có một phần vào thị trường nội địa Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.
Nhu cầu nội địa không tăng
Trong khi đó, nhu cầu thịt lợn của thị trường nội địa không tăng do chịu chi phối của các mặt hàng thực phẩm khác, như: gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ và thủy sản.
Việc ngừng xuất khẩu lợn hơi đã khiến mặt hàng thịt lợn giảm giá sâu và bất thường đối với thị trường trong nước. Khi so với giá lợn hơi của Thái Lan và Trung Quốc và giá trung bình lợn hơi trong nước hàng năm thì người chăn nuôi lợn Việt Nam đã thua thiệt từ 15.000 - 25.000 đ/kg trong thời điểm từ tháng 10/2016 - 6/2017.
Với giá lợn từ tháng 12/2016- 6/2017 thì hầu hết người chăn nuôi lợn trong nước đều thua lỗ, vì giá thành sản xuất đối với lợn thịt tiêu chuẩn trong nước hiện nay đang biến động từ 34.000-38.000 đ/kg.
Đặc biệt, đây là lần giảm sâu và lâu nhất của mặt hàng thịt lợn, trong đó, đã từng có thời điểm vào năm 2012 do ảnh hưởng của vấn đề sử dụng chất cấm, giá lợn hơi giảm khoảng 10.000 đ/kg, nhưng chỉ trong khoảng 4 tháng của cuối quý 1 và đầu quý 2/2012).
Đàm phán với Trung Quốc có tín hiệu khả quan
Bên cạnh việc thực hiện các nhóm giải pháp tăng khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước thì mấu chốt để tăng giá thịt lợn vẫn là thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan ngoại giao và doanh nghiệp để thúc đẩy quyết liệt vấn đề này.
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc đã ghi nhận đưa vào chương trình đàm phán và hoàn thiện phương thức quản lý giám sát để các sản phẩm chăn nuôi tươi sống của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này bằng con đường chính ngạch, trước mắt là qua tỉnh Quảng Tây.
Hạ An / BizLIVE