Dự báo kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Mỹ, EU và các nước CPTPP sẽ duy trì tín hiệu tích cực.
Ảnh minh họa.
Sau khi tăng tới 23,4% trong tháng 1/2021 đạt 600 triệu USD, thì xuất khẩu thủy sản tháng 2 quay đầu giảm khoảng 19% so với tháng 2/2020 ước đạt trên 405 triệu USD.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức tăng trưởng âm này là do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bị gián đoạn làm việc. Như vậy, lũy kế đến hết tháng 2/2021, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2%.
So với mọi năm, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ và thị trường trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Vì vậy, nhu cầu nghiêng về các sản phẩm thủy sản có giá vừa phải, dễ chế biến và có thời hạn bảo quản lâu như tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cả biển phile, cắt khúc, cá cơm khô, mực khô...
Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú giảm, do yếu tố giá cao và do sự kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn còn cũng bị hạn chế bởi cước vận tải biển tăng cao.
Xuất khẩu tôm tháng 2 ước đạt gần 160 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020, và tính đến hết tháng 2 xuất khẩu tôm đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu tôm sú giảm gần 40%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, 80% tổng xuất khẩu tôm với khoảng 304 triệu, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
XUẤT KHẨU CÁ TRA CÓ DẤU HIỆU TÍCH CỰC
Xuất khẩu cá tra sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2020, đầu năm nay đã có dấu hiệu tích cực. Trong tháng 1 đã tăng 22%, đạt 123,5 triệu USD và tháng 2 giảm 17% đạt 90 triệu USD, đưa kết quả lũy kế 2 tháng lên 214 triệu USD, tăng 1,7% So với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, xuất khẩu cá tra trong tháng 2 giảm mạnh là do cũng rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc - thị trường xuất khẩu số 1 của cá tra Việt Nam nên không vận chuyển hàng được.
“Sự sụt giảm này không phải bây giờ mới có mà đã xảy ra bao lâu nay rồi cứ đầu năm dương lịch là xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc bị giảm do rơi vào dịp Tết. Năm na, thêm tình hình dịch bệnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị bắt buộc kiểm Covid-19, nên khi đưa hàng qua Trung Quốc phải trừ hao thời gian kiểm dịch. Chính vì vậy, 3 tuần trước Tết Trung Quốc đã không cho nhập hàng vào nước họ, phải chờ qua tháng 3 mới bắt đầu xuất khẩu trở lại”, Bà Tâm nói.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vào các thị trường Mỹ đang tăng tốt. Tháng 1/2021, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh đã tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%.
Ngoài khách hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Colombia cũng tăng mua cá tra nguyên con của Việt Nam. Trong tháng 1/2021 nước này nhập khẩu chủ yếu cá tra nguyên con, cá tra phile chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Trừ Trung Quốc và EU, xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh tại tất cả các thị trường, trong đó tăng mạnh sang Mỹ (tăng 51% trong tháng 1/2021), sang các nước CPTPP tăng 38% (sang Mexico tăng 73%, sang Australia tăng 45%, sang Canada tăng 42%). XK sang các thị trường khác như Brazil, Colombia, Anh, Nga đều tăng từ 37-129.
Tổng xuất khẩu các mặt hàng hải sản trong tháng 1 tăng 31,4% đạt 264 triệu USD, sang tháng 2 giảm 21% đạt 150 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên gần 120 triệu USD, tăng 5,5%.
Theo đà xuất khẩu 2 tháng đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Mỹ, EU và các nước CPTPP sẽ duy trì tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu cao và nhờ "đòn bẩy" từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP.