Nguồn nguyên liệu cá tra đang thiếu hụt nghiêm trọng, dù nhu cầu thị trường lớn. Ảnh: Bình Phương.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 đặt mục tiêu 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) đang lo ngại thiếu hụt nguyên liệu, dịch bệnh, an toàn thực phẩm…, chưa kể, thị trường lớn như Trung Quốc luôn tiềm ẩn rủi ro.
Hụt nguyên liệu, giá cao
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), 2016 là năm khá thành công của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, với kim ngạch đạt trên 7 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Trong đó, ngành tôm vẫn đóng góp giá trị lớn nhất (chiếm khoảng 44% về giá trị), đạt khoảng 3,1 tỷ USD. Với kim 1,6 tỷ USD xuất khẩu đi 140 thị trường, ngành cá tra tăng gần 7% so với kết quả của năm 2015. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ cũng đóng góp trên 500 triệu USD, bạch tuộc khoảng 440 triệu USD…
Tuy nhiên, theo Vasep, năm 2017, ngành thuỷ sản sẽ gặp nhiều thách thức khi giá thành sản xuất cao, dịch bệnh nhiều…Bên cạnh đó, hạn hán và xâm ngập mặn có thể làm giảm sản lượng và tăng nguy cơ dịch bệnh với ngành tôm. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Hùng Vương, kiêm Phó Chủ tịch Vasep cho biết, các nhà máy chế biến cá tra đang “rất căng” về nguyên liệu.
Theo ông Minh, do thiếu nguyên liệu, ngay từ đầu năm 2017, các nhà máy đang giảm công suất chế biến, thậm chí chỉ chạy khoảng 30% công suất. Khoảng 50% diện tích ao cá tra đang bỏ (khoảng 2.500 ha), trong đó, diện tích ao của DN “treo” còn lớn hơn nông dân. Lãnh đạo Vasep cho biết, việc thiếu nguyên liệu trầm trọng đã đẩy giá cá giống lên rất cao, tới khoảng 50.000 đồng/kg. “Dù các nhà máy chế biến đang “đói” nguyên liệu, nhưng nhu cầu tiêu dùng cá tra trong năm 2017 tăng mạnh, đặc biệt là khu vực Trung Quốc. Nếu có nguyên liệu chế biến, kim ngạch xuất khẩu 1,8-2 tỷ USD là trong tầm tay”- ông Minh nói.
Ẩn số nhiều thị trường
Theo đại diện các DN thuỷ sản, dù đặt mục tiêu đạt kim ngạch 7,4 tỷ USD, nhưng họ vẫn nơm nớp do thị trường đang biến động mạnh, đặc biệt là chính sách từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Vasep cho biết, các thị trường sẽ siết chặt hơn kiểm tra thủy sản nhập khẩu. Năm 2016, một số thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản đều siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam do tôm bị cảnh báo nhiễm kháng sinh gia tăng. Cùng đó, các thị trường sẽ siết mạnh về an toàn thực phẩm, quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, các quy định và trách nhiệm xuất khẩu, lao động.
Tại thị trường Mỹ, rào cản thuế chống bán phá giá tôm và cá tra vẫn tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này. Cùng với việc Mỹ rút khỏi TPP và khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu... nên dự báo kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ giảm khoảng một nửa so với năm ngoái. Cũng theo Vasep, tiêu thụ tại các thị trường Nhật Bản và EU vẫn trầm lắng. Dự báo xuất khẩu thủy sản sang EU khó bứt phá, đạt xấp xỉ khoảng 1,2 tỷ USD như năm ngoái. Một thị trường được nhiều DN xuất khẩu kỳ vọng là Trung Quốc. Vasep nhận định, Trung Quốc dù không ổn định, nhiều rủi ro, nhưng nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu xu hướng tăng mạnh. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sang nước này đạt 1 tỷ USD trong năm 2017.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, năm vừa qua, dù xuất khẩu tôm, cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh, nhưng hiệu quả chưa cao, có thể gây nhiều hệ lụy.
Theo ông Lĩnh, phần lớn giá trị xuất khẩu tôm đi Trung Quốc là tôm nguyên con. Nếu có gia công cũng chỉ làm cấp đông, phần đóng gói không nhiều. Thậm chí, chỉ một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì mới xuất đi Trung Quốc. Một số DN chỉ nhập khẩu tôm của Ấn Độ, gần như quá cảnh tại Việt Nam rồi xuất đi Trung Quốc.
“Điều đó, chỉ làm tăng trưởng về số, chứ chả làm mang lại hiệu quả gì cả, không tạo ra giá trị thặng dư nhiều. Với cách làm đó, còn tạo hậu quả rất nghiêm trọng, vì Trung Quốc họ mua bất chấp kháng sinh, chất lượng. Vì thế, nỗ lực để xây dựng nền sản xuất tôm sạch, không kháng sinh khó thành, nếu không muốn nói là đổ sông đổ bể”- ông Lĩnh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, năm nay tôm nước lợ còn dư địa lớn để tăng năng suất. Hiện cả nước có 700 nghìn ha tôm nước lợ, nhưng chỉ khoảng 95 nghìn ha nuôi công nghiệp thâm canh, còn lại hơn 600 nghìn ha nuôi quảng canh, năng suất còn rất thấp. Vì thế, có thể tăng năng suất tôm theo mô hình tôm-lúa, tôm sinh thái lên ít nhất ở mức 300-500kg/ha.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1/2017 chỉ đạt trên 70.000 tấn, giảm gần 5% so cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra nguyên liệu có xu hướng tăng, hiện dao động mức 21.500-23.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016. Dù giá tăng, nhưng người nuôi không còn nhiều cá để bán, do các ao thả muộn, cá còn nhỏ. |
Theo Nam Khánh
Tiền phong