Ba mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản là cá tra, tôm và cá ngừ đã có mức tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong hai tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vẫn thận trọng đưa ra dự báo: kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 khó tạo đột biến.
Tôm là mặt hàng đứng đầu của nhóm ngành thủy sản có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt trong hai tháng đầu năm 2016. Thông tin từ VASEP vừa cho hay, giá trị xuất khẩu tôm đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù một số thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc có mức giảm nhẹ từ 0,6% đến 2,4% nhưng thị trường Mỹ lại tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, lên tới 24,8%; thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tăng 36,5% nên kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng cao. Điều đáng nói là từ vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường XK lớn nhất gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc vào năm 2015 thì qua hai tháng đầu năm nay Trung Quốc - Hồng Kông vươn lên đứng thứ 2, sau Mỹ, với giá trị xuất khẩu đạt 64,8 triệu USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này
Còn với thị trường Mỹ, ngay từ tháng 9/2015, khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) với mức thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014 có mức giảm đáng kể so với những lần trước đó thì nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ tăng dần trong năm nay.
Đối với xuất khẩu cá tra cũng có những tín hiệu lạc quan so với năm trước. Sau nhiều tháng sụt giảm, từ đầu năm đến nay xuất khẩu mặt hàng này đã có mức tăng nhẹ. Tính chung hai tháng của năm 2016, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 237,35 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường lớn nhập khẩu cá tra của Việt Nam vẫn có sức tiêu thụ tốt và tăng trên 10%, như: Mỹ tăng 14,7%; Trung Quốc - Hồng Kông tăng 32,6%; thậm chí thị trường Brazil tăng 642,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, VASEP cho biết, mặc dù hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất là Mỹ vẫn diễn ra bình thường và không bị ảnh hưởng bởi Chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng bám trụ và duy trì các đơn hàng cũng như tìm kiếm bạn hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Tới đây, nếu mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) giai đoạn từ 1/8/2013 đến 31/7/2014 được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mà cao hơn hiện tại thì dự báo XK cá tra sang Mỹ sẽ giảm tiếp. “Các doanh nghiệp đang tích cực chuyển hướng sang những thị trường khác nhằm đảm bảo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm nay” - lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho hay.
So với tôm và cá tra, xuất khẩu cá ngừ dường như vẫn chưa thực sự có tín hiệu tích cực mặc dù sản lượng khai thác tăng khá cao. VASEP dẫn chứng: trong tháng 2/2016, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước tới gần 24 triệu USD, giảm gần 21%. Tổng giá trị XK cá ngừ trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 60,7 triệu USD, giảm 4% so với mức 63,3 triệu USD của 2 tháng đầu năm ngoái. Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản - các thị trường lớn nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam đều sụt giảm kim ngạch từ 11% đến 20%.
VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản trong năm 2016 khó có thể tăng trưởng mạnh vì phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều khó khăn về thị trường và rào cản thương mại. Những ưu đãi về thuế quan và thị trường rộng khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại đã rộng mở nhưng những khó khăn phải đối mặt đã khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu phải chật vật trong năm 2015 và dự báo cả năm 2016.