3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu (XK) tôm sang thị trường Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong Top 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Theo Hiệp Hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.
XK tôm sang Mỹ 3 tháng đầu năm 2020 tăng 18,2%
Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Vasep cho hay, tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong Top 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông thường, Mỹ thường đặt hàng nhập khẩu tôm trước khoảng 2 tháng. Do đó việc nhập khẩu tôm trong 2 tháng đầu năm 2020 không chịu tác động của dịch Covid- 19. Mỹ tăng mạnh nhập khẩu tôm trong 2 tháng đầu năm 2020 do nhu cầu cuối năm 2019 tăng mạnh khi kinh tế nước này khả quan, giá tôm ở mức hợp lý và doanh thu bán tôm cho DN dịch vụ thực phẩm của Mỹ tăng. Ngoài ra, các công ty có xu hướng chuẩn bị nguồn hàng cho kỳ nghỉ lễ Phục sinh và xu hướng tiêu dùng mùa hè đang tăng mạnh.
Dịch Covid- 19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu nhập khẩu cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Theo đó, doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) được cho là đang tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị tại Mỹ trong bối cảnh dịch Covid- 19 lan rộng. Trong nửa đầu tháng 3 vừa qua, ở nước này, mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong số các sản phẩm thủy sản đóng hộp và đóng gói là cá cơm đóng hộp và cá mòi (tăng 35,6%); cá thu đóng hộp tăng 33,5%; cá hồi tăng 30,8 %; và cá ngừ tăng 32,7%.
Hiện, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid- 19 lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23/3 và kéo dài đến 3/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Nên XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3/2020 bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết.
Tình hình dịch bệnh Covid- 19 cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tình hình chống dịch Covid- 19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ.
Vasep khuyến nghị, người nuôi cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn. Về phía các DN XK sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ... để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.