Tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn xuất siêu 1,4 tỷ USD, nhưng do tháng 2 nhập siêu tới 2,34 tỷ USD, nên tính chung, hiện tại cán cân thương mại đang thâm hụt 937 triệu USD.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng Hai và hai tháng đầu năm 2022. Và điều đáng quan tâm là nhập siêu đã quay trở lại.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 1/2022, cả nước xuất siêu 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tháng 2/2022, ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Như vậy, tính chung hai tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.
Nhập siêu quay trở lại là một dấu hiệu đáng quan tâm, cho dù trên thực tế, số liệu thống kê chỉ hai tháng đầu năm chưa đủ để đánh giá một xu hướng. Theo các chuyên gia kinh tế thì cần tiếp tục theo dõi tình hình để có giải pháp quản lý, điều hành phù hợp.
Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD.
Việt Nam hiện xuất siêu sang EU, với 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, cũng xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD).
Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 13,4 tỷ USD, tăng 78,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD, tăng 24,4%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 18,1%.
Quay trở lại với tình hình xuất nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.
Trong hai tháng đầu năm 2022, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 1/2022 đạt 29,45 tỷ USD, thấp hơn 51 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 2/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,25 tỷ USD, tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,48 tỷ USD, tăng 15,4%.
Điều đáng mừng là, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng giảm 0,1 điểm phần trăm. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của sản xuất trong nước.