Dự báo, sản lượng vải thiều năm 2016 của tỉnh Bắc Giang giảm do yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, những người trồng vải không hề lo lắng bởi một lượng lớn vải thiều đã được một số thị trường lớn như: Mỹ, Úc, EU… đặt mua với giá cao.
Chăm sóc tốt nhất để trái vải cho giá trị cao
Đơn đặt hàng tăng
Tại Hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016 vừa diễn ra tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – cho biết, năm 2016, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015 (do chuyển đổi cơ cấu cây trồng), cộng với thời tiết không thuận lợi nên tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang chỉ đạt 130.000 tấn.
So với năm 2015, sản lượng vải thiều năm 2016 sẽ giảm 65.000 tấn – tương đương hơn 30%. Tuy nhiên, ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - tự tin khẳng định: Sản lượng vải thiều giảm nhưng giá trị sẽ không giảm bởi năm nay, riêng huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn Globalgap – sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, EU…
“Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều DN đăng ký mua vải thiều để đưa vào các thị trường Mỹ, Úc, EU… Một số DN xuất khẩu đã đến khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Tấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn hẳn những năm trước, nhiều người trồng cũng đã có ý thức chuẩn bị kỹ lưỡng cho các công đoạn thu hoạch, tiêu thụ, bảo quản.
Ông Phạm Văn Dũng – Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân – chia sẻ, vụ vải thiều năm 2015, có lô hàng xuất sang Úc không đạt yêu cầu do trái vải còn để cả cành. Trong khi vải thiều xuất cho thị trường này rất được giá (45.000đ/kg). Năm nay, với số vải xuất đi Úc, chúng tôi sẽ chủ động cắt cành theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Mở rộng thị trường
Theo ông Dương Văn Thái, năm nay, Bắc Giang xác định thị trường nội địa tiếp tục là thị trường tiêu thụ trọng điểm. Ngoài ra, duy trì thị trường XK truyền thống, mở rộng thị trường mới...
Vải thiều Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, EU...
Với định hướng này, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm vải thiều – đặc biệt là vải thiều an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap, VietGap; tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả, đưa vải tươi vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tại các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, Big C, Aeon…và các chợ đầu mối. Cùng với đó, tạo dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó với đối tác khách hàng Trung Quốc, Lào, Campuchia nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong XK vải thiều. Đặc biệt, Bắc Giang cũng nỗ lực để tiếp tục XK vải thiều vào các thị trường cao cấp Mỹ, Úc, EU với số lượng nhiều hơn.
Bên cạnh hành trình tìm đầu ra cho quả vải, việc nâng cao chất lượng, giá trị quả vải thiều trong giai đoạn hội nhập là mục tiêu hàng đầu của tỉnh Bắc Giang. Đánh giá cao quyết tâm này của Bắc Giang, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước- đề nghị: Sở Công Thương Bắc Giang cần tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các vụ ngoài nước (Bộ Công Thương) trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thăm dò, đánh giá nhu cầu, yêu cầu của một số nước về vải thiều, từng bước XK vải thiều vào những thị trường cao cấp.
Vụ vải thiều năm 2016, tổng sản lượng vải Bắc Giang tiêu thụ trong nước dự kiến khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%... |