Covid-19 tác động xấu đến sản xuất và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, song vẫn có không ít doanh nghiệp chủ động ứng biến để trụ lại và thích nghi, duy trì hoạt động kinh doanh, xuất khẩu hiệu quả.
Xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng tại nhiều thị trường lớn.
Thích ứng với đại dịch
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ gián đoạn đơn hàng xuất khẩu với các khách hàng nhập khẩu lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn tăng 4,7%, đạt gần 83 tỷ USD. Một số doanh nghiệp vẫn có đơn hàng xuất khẩu tốt nhờ chuyển đổi sản xuất và chủ động thích ứng với cách thức kinh doanh trong mùa dịch.
Trái ngược với tình cảnh thiếu hụt đơn hàng của nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu lớn, từ đầu năm đến nay, mảng xuất khẩu bao bì tự phân hủy của Tập đoàn An Phát Holdings vẫn liên tiếp có thêm đơn hàng mới từ Nhật Bản và châu Âu. Nhưng điều này không làm lãnh đạo Tập đoàn quá bất ngờ, mà đó là cả một chiến lược kinh doanh đã được triển khai từ trước đó.
Ông Đinh Xuân Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang hướng sản xuất bằng công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực bao bì thực sự hữu ích trong giai đoạn dịch bệnh. Minh chứng là thị phần và doanh thu của mảng bao bì tự hủy vẫn tăng trưởng, có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu giữa lúc khó khăn, đặc biệt lượng đơn hàng mới đến từ khách hàng châu Âu.
Bao bì tự phân hủy là mảng kinh doanh chủ lực của An Phát Holdings, trong đó gần 100% sản phẩm dành cho xuất khẩu, nên bất cứ biến động nào cũng tác động ngay tới doanh thu của Tập đoàn. Ông Cường cho biết, toàn bộ sản phẩm đều được tiêu thụ tại EU, Australia, Nhật Bản và Mỹ. Trong đó, EU hiện là thị trường lớn nhất, chiếm 50% doanh thu túi nhựa trong năm 2019 của Công ty.
Với xuất khẩu trái cây, trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Vina T&T Group đã xuất khẩu hơn 10 container xoài, thanh long, chôm chôm bằng đường hàng không sang Los Angeles và New York (Mỹ).
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, thời điểm Mỹ và EU mới đóng cửa biên giới để chống dịch, xuất khẩu khó hơn do hoạt động vận chuyển bị ảnh hưởng, nhưng nay, các doanh nghiệp đã phải thích ứng. Trong tháng 4/2020, Vina T&T Group vẫn xuất khẩu trái cây tươi đều đặn hàng tuần cả bằng đường biển và hàng không để bù đắp lại sản lượng bị giảm trong tháng trước đó.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) vẫn hoạt động sản xuất liên tục với lượng trái cây đưa vào chế biến tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, EU.
Lãnh đạo Doveco cho biết, nhờ việc đầu tư nhà máy chế biến, rau quả được Doveco chế biến theo công nghệ mới nhất của Nhật Bản. Sau khi cấp đông, sản phẩm được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ, đảm bảo giữ được trạng thái tươi trong thời gian 2 năm.
Kỳ vọng
Báo cáo tình hình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, bất chấp Covid-19, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tại nhiều thị trường lớn. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 13,4%. Tiếp đến là Trung Quốc, đạt 13,1 tỷ USD, tăng 26,7%. Nhật Bản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đáng chú ý, nhiều thị trường châu Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh, như Mexico tăng 61%, Chile tăng 93%, Argentina tăng 55%, Colombia tăng 93%, Panama tăng 73% và Peru tăng 82%.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Mỹ và EU, Trung Quốc.
Ông Hải thông tin thêm, những ngày gần đây, yếu tố tích cực là Trung Quốc và Hàn Quốc đang kiểm soát dịch bệnh tốt, nên hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường này có thể sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới.
Với ngành hàng gạo, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại. Đây cũng là yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu có thêm động lực tăng trưởng, đóng góp cho xuất khẩu của cả nước.