Với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 159,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 156,6 tỷ USD, mức xuất siêu của cả nước sau 11 tháng vẫn đạt khoảng 2,9 tỷ USD. Đây là điểm sáng nhất trên bức tranh xuất nhập khẩu (XNK) nước ta.
Tôm - mặt hàng XK chủ lực từ đầu năm đến nay
Những gam màu sáng
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK hàng hóa tháng 11 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, ước kim ngạch XK cả nước đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 11 mới đây, thông tin về tình hình XNK sau 11 tháng, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động XNK trong tháng 11 và 11 tháng diễn biến ổn định, không có biến động lớn. Mặc dù sự cố Samsung Galaxy Note7 phát nổ và bị thu hồi từng gây lo ngại sẽ sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch XK nhưng đến thời điểm này, tác động của vụ việc không quá lớn. Nguyên nhân bởi doanh nghiệp (DN) đã có sự chuyển đổi sản phẩm ngay sau khi xảy ra sự cố nên kim ngạch XK nhóm hàng không bị ảnh hưởng. Tháng 11/2016, kim ngạch XK nhóm hàng điện thoại và linh kiện ước đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Với việc giữ vững “phong độ” trong 11 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục trở thành “đầu tàu” XK khi kim ngạch tăng trưởng 9,3%, cao nhất trong những nhóm hàng XK chủ lực. Nhóm nông - lâm - thủy sản cũng giữ được tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ, ước khoảng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Những mặt hàng có kim ngạch XK tăng cao của nhóm này là rau quả, thủy sản, hạt tiêu, cà phê, đồ gỗ…
Do kim ngạch XK hàng loạt mặt hàng như than đá, dầu thô, quặng kim loại đều giảm nên kim ngạch XK nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản đã giảm 32,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tổng kim ngạch XK cả nước bị suy giảm và không đạt con số như dự kiến từ đầu năm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 đạt 16 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 156,66 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu có mức tăng khá cao (từ 10 – 14,6%), tập trung vào các mặt hàng như rau, quả, bánh kẹo, linh kiện phụ tùng ôtô, xe máy… Nhóm cần nhập khẩu chỉ tăng 3,3%. Cán cân thương mại sau 11 tháng duy trì xuất siêu ở mức 2,84 tỷ USD.
Sẽ không có tăng trưởng đột biến
Dự báo, trong tháng 12 – tháng cuối cùng của năm 2016, nếu không có sự kiện bất thường xảy ra, kim ngạch XNK sẽ không có tăng trưởng hoặc suy giảm đột biến.
Dù mục tiêu tăng trưởng XK 10% so với năm 2015 khó có khả năng đạt được, nhưng để đưa kim ngạch XK đạt mức cao nhất có thể, cũng như tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu XK trong năm tới, Bộ Công Thương đã và đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK. Theo đó, Bộ Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, XK của DN như bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, sửa đổi quy định liên quan đến dán nhãn năng lượng, quy định về hóa chất, cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà cho DN.
Cùng với đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK cho từng ngành hàng lớn như thủy sản, rau, quả, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, sắn và các sản phẩm từ sắn… đang được tiến hành. Cụ thể, với mặt hàng thủy sản, tiếp tục theo dõi sát và vận động Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn; đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) để mở cửa XK chính thức một số loại trái cây như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, roi…
Năm 2016, nhiều khả năng xuất siêu sẽ quay trở lại sau kết quả nhập siêu của năm 2015. Mặc dù vậy, với đà này, mục tiêu kim ngạch XK tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2015 như Quốc hội giao khó có khả năng đạt được. |
Phương Lan / baocongthuong