Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất siêu của cả nước đã đạt 1,39 tỷ USD (cao hơn 1,3 tỷ USD của năm 2021). Nhìn tổng thể, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, thương mại toàn cầu chưa thực sự hồi phục. Tuy nhiên, nếu đánh giá con số cụ thể, thành tích xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thành tích xuất siêu vẫn đang thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đầu tiên của năm 2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% và nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3%. Với kết quả này, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu với 1,39 tỷ USD.
NHIỀU NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHÍNH TĂNG TRƯỞNG CAO
Trong tổng trị giá xuất khẩu 30,84 tỷ USD của tháng đầu năm 2022, điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, giảm 26,1% so với tháng 1/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 1,07 tỷ USD, giảm 8,9%; Trung Quốc: 956 triệu USD, giảm 35,5%; Hàn Quốc: 299 triệu USD, giảm 18,3%... so với cùng kỳ năm 2021.
Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu của nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 975 triệu USD, tăng 3,9%; sang thị trường Trung Quốc đạt 760 triệu USD, giảm 6,6%; sang EU (27 nước) đạt 660 triệu USD, tăng 20,2%; sang Hồng Công đạt 420 triệu USD, giảm 5%... so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 1/2022 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đạt 3,57 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 1,85 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường EU (27 nước) đã tiêu thụ 382 triệu USD, tăng 39,1%; Hàn Quốc tiêu thụ 314 triệu USD, tăng 33,4%...
Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 01/2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong tháng 01/2022 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%; EU (27 nước) đạt trị giá 473 triệu USD, tăng 18,6%; Nhật Bản với 255 triệu USD, tăng 24,2%... so với tháng 01 năm 2021.
Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01/2022, xuất khẩu nhóm hàng này chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ đạt 928 triệu USD, tăng 12,8%; Nhật Bản: 153 triệu USD, tăng 16,3%; Trung Quốc: 134 triệu USD, tăng 27%... so với cùng kỳ năm 2021.
Từ chiều ngược lại, trong tổng trị giá nhập khẩu 29,45 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng lớn nhất với trị giá 7,12 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Đứng vị trí thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,93 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4%. Tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện, nhập khẩu nhóm hàng này đạt 2 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một chi tiết rất đáng lưu ý trong thống kê của Tổng cục Hải quan, đó là lần đầu tiên Việt Nam có xuất siêu sang Nhật Bản. Cụ thể, trong tháng 1/2022, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 2,04 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2021 và chiếm tỷ trọng 6,6% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 1,67 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 5,7% trong tổng trị giá nhập khẩu cả nước. Như vậy, cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam với con số xuất siêu 370 triệu USD.
Kết quả này khá bất ngờ khi kết thúc năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Nhật Bản tới 2,52 tỷ USD, tăng 138,5% so với năm 2020. Trong năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 42,7 tỷ USD, và cũng là năm đầu tiên ghi nhận kỷ lục mới trong quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản.
Đánh giá về kết quả xuất siêu ngay trong tháng đầu năm, một số chuyên gia cho rằng, đây là kết quả tốt cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.
Xuất siêu có tác dụng về hai mặt. Thứ nhất, cán cân thương mại thặng dư, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cùng với lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, đầu tư gián tiếp,…làm tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá… Thứ hai, xuất siêu có tác dụng kích thích sản xuất trong nước, góp phần tăng GDP.
VẪN CÒN NHỮNG “MẢNG TỐI”
Tuy nhiên, nhìn nhận thấu đáo hơn có thể thấy, kết quả xuất siêu này hoàn toàn là thành tích của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 01/2022 đạt 41,57 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 22,09 tỷ USD, tăng 2,4% và đạt 19,48 tỷ USD, tăng 10,7%. Như vậy, trong tháng đầu năm 2022, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu tới 2,61 tỷ USD.
Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI. Không chỉ có tháng đầu năm nay mà liên tục nhiều năm qua, trong khi xuất siêu của khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh thì doanh nghiệp nội địa vẫn luôn nhập siêu.
Tăng trưởng bền vững phải dựa vào nội lực. Hiện khu vực trong nước còn yếu, chưa được cải thiện một cách mạnh mẽ như kỳ vọng khi Việt Nam ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua.
Hơn nữa, xuất siêu dựa vào khối doanh nghiệp FDI đã phần nào phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Những doanh nghiệp nội địa vẫn chưa cho thấy tiềm lực đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc như đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đặc biệt, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Xuất siêu cũng phản ánh tình trạng sản xuất - xuất khẩu tốt của nền kinh tế, nhưng nếu chỉ đơn thuần vì tốc độ nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu mà dẫn tới xuất siêu, thì lại là vấn đề cần quan tâm.
Bởi nhập khẩu nhiên liệu vật liệu là đầu vào của chu kỳ sản xuất, nên nhập khẩu tăng thấp so với xuất khẩu sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên người dân và doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho đầu tư và tiêu dùng dẫn đến nhập khẩu giảm mạnh cũng là yếu tố dẫn đến xuất siêu.
Hiện, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, theo nhận định của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất - nhập khẩu trong thời tới.
Việc thực hiện cam kết FTA với các nước châu Âu và khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đa dạng, cân bằng và đạt hiệu quả hơn.