Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được coi là mô hình mẫu cho việc gắn kết giữa hoạt động khoa học công nghệ và sản xuất
Chỉ khoảng 1 tháng nữa là vải thiều Bắc Giang chính thức vào vụ mới. Đến thời điểm này, kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều đã cơ bản hoàn tất và đang được tích cực triển khai. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang xung quanh vấn đề này.
Ông dự báo như thế nào về sản lượng và tình hình tiêu thụ vải thiều năm nay?
Theo dự báo, sản xuất vải thiều năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trước và sau Tết Bính Thân liên tục có mưa, nhiệt độ cao sau đó rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả của các trà vải. Nhiều diện tích vải thiều chính vụ vừa ra hoa vừa ra lộc hoặc không ra hoa nên tỷ lệ cây ra hoa ít hơn so với cùng kỳ năm 2015. Vì vậy, sản lượng vải thiều năm 2016 dự báo sẽ thấp hơn năm 2015, song chất lượng vải thiều năm nay tốt hơn.
Rút kinh nghiệm những năm trước, vụ vải thiều 2016, ngành Công Thương sẽ thực hiện các nội dung gì để đẩy mạnh tiêu thụ?
Nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ vải thiều năm 2016, Sở Công Thương Bắc Giang đã tiến hành song song nhiều công việc, trong đó chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình sản xuất, chất lượng quả vải và khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường. Liên hệ với Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ - tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Pháp, Hàn Quốc và kịp thời thông tin lại cho các thương nhân, doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, đã chủ động tạo khâu kết nối thị trường, ký kết tiêu thụ lâu dài và ổn định cho vải thiều Bắc Giang. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ - xuất khẩu, nhất là khai thông xâm nhập các thị trường mới, tiềm năng....
Có ý kiến cho rằng “nếu làm tốt công tác xúc tiến, thị trường nội địa có khả năng tiêu thụ hết lượng vải thiều Bắc Giang”, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Trong công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều, chúng ta cần nghiên cứu về phân khúc thị trường phù hợp và không nên đặt vào một thị trường duy nhất nào, vì chỉ cần một biến động nhỏ ở thị trường cũng mang đến rủi ro cao. Thị trường nội địa luôn được coi là trọng điểm, thị trường xuất khẩu truyền thống được xác định duy trì và giữ vững; thị trường xuất khẩu mới lại là mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị vải thiều Bắc Giang nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống. Mục tiêu thị trường nào cũng quan trọng, đều có vai trò quyết định trong việc xác định thành công của vụ vải hàng năm.
Bắc Giang đặt ra mục tiêu xúc tiến ở hầu hết các thị trường chứ không phải chỉ thị trường nội địa hay xuất khẩu. Vai trò của các thị trường sẽ góp phần hoàn thiện hơn thành công của thương hiệu quả vải Bắc Giang. Để có thể nâng cao chuỗi giá trị cho quả vải, đồng thời tăng thu nhập cho người trồng vải, tránh điệp khúc “được mùa mất giá” hay phụ thuộc vào một thị trường nhất định, thì công tác xúc tiến tiêu thụ được đặt ra ở hầu hết các thị trường, và ở mỗi thị trường thì có cách thức xúc tiến khác nhau để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa năm nay có điểm gì mới, khác biệt so với những năm trước, thưa ông?
Điểm mới và khác biệt trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay là Sở Công Thương phối hợp với các sở tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ký Kế hoạch hợp tác, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang; giao cho Sở Công Thương hai địa phương chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt “Tuần lễ vải thiều” tại Hà Nội. Vải thiều Bắc Giang sẽ được đưa vào hệ thống các siêu thị tại Hà Nội (Hapro, Big C…) với phương thức truyền thông, quảng bá sâu rộng để người tiêu dùng nơi đây được thưởng thức quả vải chất lượng cao của Bắc Giang. Đây chính là một trong những điểm nhấn quan trọng, cũng là điểm mới trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2016.
Ngoài ra, thị trường phía Nam, các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị trong cả nước; cùng với thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn được xác định và duy trì mục tiêu ổn định, tăng trưởng. Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp cùng Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp, thương nhân, cơ quan chức năng đến từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ; phối hợp với tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông có khuyến cáo gì với các tổ chức, cá nhân trong việc thu mua, bảo quản, tiêu thụ vải thiều trong vụ vải 2016?
Trước hết, người trồng vải Bắc Giang tiếp tục tổ chức sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, bảo đảm chữ “tâm”, chữ “tín” trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Để có thể tránh những khó khăn và trở ngại trong việc thu mua, bảo quản, tiêu thụ vải thiều, các tổ chức, cá nhân nên ký kết các hợp đồng thu mua với các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn khi cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh / ven.vn