Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2015 đạt khoảng 6,72 tỉ USD, giảm 14,3% so với năm 2014 và giảm 10,4% so với mục tiêu đặt ra của năm 2015.
Năm 2015 ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thị trường. Nguyên nhân điển hình khiến cho giá trị xuất khẩu thủy sản sụt giảm là do kinh tế thế giới mới chỉ tăng trưởng nhẹ, nhu cầu tiêu dùng nói chung, đối với sản phẩm thủy sản nói riêng đã tăng trở lại nhưng còn ở mức thấp.
Mặt khác, các nước sản xuất tôm đã khôi phục lại sản xuất sau giai đoạn bị dịch bệnh, tạo sức cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm tôm của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra tại thị trường Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực hơn, thậm chí kết quả rà soát POR10 còn cao hơn giai đoạn trước. Bên cạnh đó, yêu cầu về giới hạn hàm lượng các chất cấm ở một số thị trường ngày càng khắt khe, do vậy giá trị xuất khẩu thủy sản sụt giảm.
Ngoài ra, các yếu tố về thời tiết như nhiệt độ cao, nước biển xâm nhập sâu làm độ mặn tăng, mưa giông trên diện rộng một số tháng trong năm đã làm cho tôm nuôi giảm sức đề kháng, dễ nhiễm các mầm bệnh; giá thủy sản nguyên liệu giảm trong khi giá vật tư cho nuôi trồng tăng, ngư dân tiếp tục bị cản trở trên các ngư trường truyền thống... vẫn là yếu tố ảnh hưởng không thuận lợi cho sản xuất thủy sản.
Mặc dù tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2015 gặp nhiều khó khăn nhưng tính chung giai đoạn 2011-2015, ngành thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm của cả giai đoạn.
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng trung bình 3,8%/năm, cao hơn 9,3% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản tăng trung bình 4,7% năm; sản lượng nuôi trồng tăng trung bình 3%/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 2,4%/năm.
(Nguồn: Tổng cục Thủy sản)