Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng các loại gỗ quý được nhập khẩu từ các nước Tiểu vùng sông Mekong về Việt Nam đang giảm dần.
Ngày 4-10 Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends đồng tổ chức hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội xuất khẩu”.
Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 160-170 loại gỗ nguyên liệu, trong đó có 20-30 loại có số lượng nhập khẩu trên 10.000 m³/loại/năm.
Hiện nay, tỉ trọng gỗ tròn nhập khẩu từ các nguồn có độ rủi ro cao giảm từ 60% trong tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ năm 2013-2014 xuống còn 50% trong những năm gần đây; tỉ trọng các loài gỗ xẻ nhập khẩu từ nguồn rủi ro cao giảm từ trên 30% năm những năm 2013-2014 xuống còn khoảng trên 20% kể từ 2015 đến nay. Đây là những tín hiệu tốt, thể hiện những thay đổi tích cực của ngành gỗ trong việc đáp ứng các quy định về tính hợp pháp của gỗ tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu.
Tính đa dạng trong các loại nhập khẩu và số lượng lớn gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam hằng năm sẽ tạo ra những thách thức lớn trong việc thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu hiệu quả trong tương lai. Để xây dựng các cơ chế hiệu quả nhằm kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu đòi hỏi những cơ sở dữ liệu có liên quan đến từng loại gỗ cụ thể nhập khẩu. Điều này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan và không chỉ đơn thuần là công việc của cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, với tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm, cơ hội ngành gỗ mở rộng xuất khẩu là rất lớn khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Ông Quyền nhấn mạnh trong các hiệp định song phương và đa phương (như Hiệp định TPP) có lộ trình cam kết giảm thuế. Nhưng với ngành gỗ Việt Nam từ năm 2006 đến nay, thuế xuất khẩu đã bằng 0, thuế nhập khẩu nguyên liệu cũng bằng 0, cùng với đó những rào cản phi thuế quan không tác động lớn đến xuất khẩu. Điều này tác động tích cực đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những cơ chế chính sách cho ngành gỗ hiện đã rất thông thoáng, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động thuận lợi.
Theo ông Tô Xuân Phúc (chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends), Mỹ và Nhật Bản hiện là thành viên của Hiệp định TPP, việc thúc đẩy xuất khẩu vào 2 thị trường này có ý nghĩa quan trọng trong quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế mặt hàng gỗ của Việt Nam trên thế giới.
Vấn đề hiện nay các doanh nghiệp cần lưu ý trong xuất khẩu là việc sử dụng gỗ có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là các loại gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, khu vực rừng nhiệt đới…
Ông Tô Xuân Phúc cho biết thêm chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ những rủi ro này. Bên cạnh những nỗ lực của các doanh nghiệp cũng cần có sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng gỗ và cơ quan quản lý Nhà nước. Một trong những mảng chính sách cần phát triển là cập nhật thông tin thị trường cho các doanh nghiệp về những loại hình rủi ro, trong đó có những rủi ro liên quan đến những loại gỗ nhập khẩu làm nguyên liệu.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ