Không chỉ có bánh cuốn Phủ Lý ở Hà Nam, bánh cuốn Thanh Trì ở Hà Nội mà đi qua mỗi vùng miền của dải đất hình chữ S, bánh cuốn lại ẩn chứa một hương vị rất riêng.
Bánh cuốn Hà Giang
Một trong những phiên bản bánh cuốn Việt Nam đầu tiên phải kể tên là bánh cuốn Hà Giang. Bánh cuốn ở đây được làm tương tự như ở dưới miền xuôi với lớp vỏ trắng, mỏng cùng phần nhân là thịt băm xào mộc nhĩ hoặc trứng lòng đào béo ngậy.
Một trong những phiên bản bánh cuốn Việt Nam đầu tiên phải kể tên là bánh cuốn Hà Giang. (Ảnh: anc500).
Bên cạnh đó, trên mỗi đĩa bánh sẽ được rắc thêm một ít hành phi cho thơm hơn. Nhưng điểm tạo nên sự khác biệt cho món bánh cuốn Việt Nam này chính là phần nước chấm không phải là nước mắm mà lại là nước hầm xương heo nóng hổi, được thêm một ít rau mùi, hành lá và giò.
Người dân địa phương chia sẻ rằng sở dĩ có cách ăn như vậy là bởi thông thường thời tiết buổi sáng ở Hà Giang thường sẽ khá lạnh, thế nên khi ăn bánh cuốn với bát canh hầm xương nóng hổi sẽ giúp cơ thể được ấm hơn. Nếu có dịp du lịch Hà Giang thì bạn có thể tìm đến khu chợ cổ thị trấn Đồng Văn hoặc một số quán ở thành phố Hà Giang để thưởng thức bánh cuốn với giá khoảng 25.000đ - 30.000đ.
Bánh cuốn Cao Bằng
Khác với bánh cuốn ở miền xuôi thường có nhân thịt, mộc nhĩ, ăn cùng với chả quế, chả mỡ, hành khô và chấm nước mắm, bánh cuốn Cao Bằng chấm với nước xương ống ngọt thanh, thêm chút lá mùi tàu băm nhỏ, nhân bánh không có mộc nhĩ, không ăn kèm hành khô.
Bánh cuốn ở đây chan với nước canh chứ không chấm cùng nước mắm như bánh cuốn của người miền xuôi.
Để làm ra món bánh chuẩn hương vị người Cao Bằng, công đoạn chọn gạo là quan trọng nhất, phải là gạo tẻ Đoàn Kết được trồng ở Cao Bằng mới tạo nên bột bánh hảo hạng, vỏ bánh vừa trắng vừa mỏng, dai, mịn, mùi thơm đặc trưng.
Tráng bánh là cả một nghệ thuật để vỏ bánh không quá dày, cũng không quá mỏng. Người làm múc bột láng thật mỏng trên mặt nồi, hơi nước xuyên qua bề mặt mảnh vải sẽ làm chín bánh, lúc này người ta sẽ mở nắp vung ra, lấy chiếc nẹp tre lấy bánh ra ngoài, thêm nhân thịt băm, rồi cuộn lại.
Bánh cuốn ngon nhất khi ăn lúc còn nóng hổi nên khi có khách chủ quán mới bắt đầu làm. Bánh tráng đến đâu, ăn đến đó, đòi hỏi người ăn phải kiên nhẫn chờ đợi.
Bánh cuốn Hà Nội
Một trong những phiên bản bánh cuốn Việt Nam nổi tiếng nhất chắc chắn phải kể tên bánh cuốn Thanh Trì ở Hà Nội. Bánh cuốn Thanh Trì truyền thống phải là loại bánh tráng mỏng và không có nhân bên trong.
Một trong những phiên bản bánh cuốn Việt Nam nổi tiếng nhất chắc chắn phải kể tên bánh cuốn Thanh Trì ở Hà Nội. (Ảnh: nodiet.here).
Đặc biệt bánh sẽ được ăn kèm với chả quế, chả giò, đậu rán và hành phi. Và đương nhiên không thể thiếu bát nước chấm được pha chế khá cầu kì từ nước mắm, dấm nếp, vài lát ớt và hành phi, nếu có thêm chút tinh dầu cà cuống thì càng chuẩn vị hơn.
Bánh cuốn Hà Nam
Nếu như Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì thì "người anh em" Hà Nam lại sở hữu một phiên bản bánh cuốn Việt Nam khác hấp dẫn chẳng hề kém cạnh đó là bánh cuốn Phủ Lý. Bánh cuốn Phủ Lý không ăn cùng với chả quế hay chả giò mà thường được ăn cùng với thịt nướng than và ăn nguội.
Nếu như Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì thì Hà Nam lại sở hữu bánh cuốn Phủ Lý. (Ảnh: thuu_trinh).
Thịt nướng của món này là thịt ba chỉ được thái từng miếng nhỏ vừa ăn, rồi tẩm ướ đầy đủ gia vị hành tiêu, đường, nước mắm rồi đem nướng trên bếp than, thế nên thịt lúc nào cũng thơm phức, vàng ươm, ăn mềm, béo ngậy chứ không hề khô.
Bên cạnh đó, yếu tố quyết định sự trọn vẹn cho món bánh cuốn Việt Nam này là chén nước mắm nóng đủ vị với chút dưa góp cùng một số loại rau thơm, húng quế để ăn kèm vừa kích thích vị giác lại vừa chống ngán hiệu quả.
Bánh cuốn chả mực Quảng Ninh
Bánh cuốn chả mực đòi hỏi sự hoàn hảo ở cả 3 thành phần: bánh cuốn, chả mực và nước chấm. Bánh không ngon, coi như món ăn đã thất bại. Nước chấm nếu thiếu chút hạt tiêu cay cay, thơm nồng cũng sẽ khiến món ăn mất đi hương vị. Còn chả mực ăn mà không giòn, không ngọt lừ, không đưa đẩy cho miếng bánh mềm mại, nóng hổi thì cũng coi như không có.
Hương vị thơm ngon của món ăn được tạo nên bởi sự hòa quyện của các nguyên liệu. (Ảnh: toccvangg).
Từ những con mực tươi ngon, người ta đem đi giã bằng tay rồi làm ra những miếng chả mực vàng ươm, nhìn rất bắt mắt giòn ngon hấp dẫn. Khâu pha nước chấm cũng quan trọng không kém. Bát nước chấm đủ nguyên liệu gồm nước mắm, ớt, đường, nước chanh,…với vị chua ngọt đậm đà, kết hợp với bánh cuốn nóng hổi tráng mỏng cuộn thịt nạc, tôm nõn cùng từng miếng chả mực cắt đôi tạo nên vị ngon hấp dẫn ngay từ khi chạm tới môi.
Ba thành phần của món ăn cùng hòa quyện, tạo nên cái đậm đà hiếm có. Có thưởng thức mới thấy, vì sao món ăn này lại được nhiều người ca ngợi đến vậy.
Bánh mướt Nghệ An
Du lịch Nghệ An mà không thưởng thức bánh mướt ở đây thì quả là một thiếu sót lớn. Thoạt đầu khi trông thấy món ăn này, bạn sẽ thấy nó khá giống với bánh cuốn Thanh Trì ở Hà Nội hay bánh ướt của ẩm thực miền Nam, nhưng thực chất nó lại có sự khác biệt rất lớn.
Du lịch Nghệ An mà không thưởng thức bánh mướt ở đây thì quả là một thiếu sót lớn. (Ảnh: dulichdoday24).
Bánh mướt Nghệ An có thể ăn không cùng với chén nước mắm chua chua cay cay là đã đủ ngon rồi, nhưng bên cạnh đó còn có thể kết hợp kèm với rất nhiều loại topping khác nhau như lòng xào, thịt gà, bò, chả,… nhưng phổ biến nhất vẫn là ăn cùng với súp lươn, một đặc sản nổi tiếng của miền đất này.
Bánh cuốn chả bò Sài Gòn
Bánh cuốn chả bò được coi là món ăn độc nhất Sài Gòn, chỉ có thể thưởng thức ở một cửa hàng trên quận 10.
Bánh cuốn Sài Gòn được coi là có nguồn gốc từ miền Bắc, tuy nhiên lại có nhiều thay đổi để phù hợp với khẩu vị người miền Nam. Trong đó điểm khác biệt lớn nhất là nước chấm ngọt hơn. (Ảnh: u_n_651).
Ngoài các nguyên liệu quen thuộc, đến đây, thực khách có thể lựa chọn ăn kèm với chả bò đặc trưng của vùng đất Quảng Nam. Đĩa bánh cuốn phong phú với chả quế, chả chiên, nem chua, bánh tôm cùng miếng chả bò đậm đà khiến cho thực khách không thể kiềm lòng.