Không chỉ nổi tiếng với nương rẫy bạt ngàn hay thác nước trong veo mà những đặc sản Tây Nguyên lạ nhưng ngon này sẽ khiến bạn nhớ đến đây thường xuyên hơn đó! Hãy cùng VNTRIP.VN đi đến vùng đất này ngay để xem nơi đây có những món ngon đặc sản nào thu hút du khách nhé!
Gà nướng Bản Đôn
Bản Đôn Tây Nguyên thì ai cũng biết rồi và nếu được hỏi có món đặc sản gì nơi đây thì chắc chắn đó là món gà nướng. Thịt gà ở đây có vị thơm ngon rất khác bởi cách nuôi gà rất công phu, tất cả đều được thả vườn, ăn côn trùng, cỏ non và lúa rẫy. Để gà nướng có hương vị đặc trưng thì không thể thiếu sả, sả được giã lấy nước, càng nhiều nước sả thì thịt gà khi chín lại càng ngon, kẹp gà đã được tẩm ướp vào thanh tre, phết một lớp mật ong cho có màu đẹp và mùi thơm rồi quay đều trên bếp than. Khi chín, bỏ ra, xé chấm muối ớt, ăn cùng cơm lam và uống rượu cần thì ngon phải biết.
Gà nướng bản Đôn ăn đúng bài nhất là chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả (Ảnh ST)
Ngồi bên bếp lửa bập bùng ăn gà nướng, thêm ché rượu cần với mấy ống cơm lam nữa tuyệt vời luôn (Ảnh ST)
Cá lăng
Cá lăng là loài cá nước ngọt, sống rất nhiều trên sông Sêrêpốk, là nguyên liệu được nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn ưa thích. Những món ăn chế biến từ cá lăng thì nhiều vô số kể, chẳng hạn như cá lăng nướng với hương vị ngọt thơm, đậm đà, beo béo hay lẩu cá lăng nấu canh chua – món ăn bổ dưỡng được ăn nhiều vào mùa hạ, giải nhiệt rất tốt.
Thịt cá lăng có vị ngọt, béo và thơm nên rất dễ ăn (Ảnh ST)
Lẩu cá lăng nấu có tác dụng giải nhiệt rất tốt (Ảnh ST)
Gỏi lá
Là một trong những món ăn lọt top 10 đặc sản Việt Nam với giá trị ẩm thực sâu sắc, nói thế cũng đủ thấy độ ngon tuyệt vời mà món ăn mang lại cho người thưởng thức. Được lựa chọn bởi 40 loại lá khác nhau với nhiều tác dụng thần kỳ, cuốn các lá thành hình phễu và gắp thức ăn vào ( có thể ăn kèm với thịt ba chỉ, da heo thái mỏng, tôm rang) chấm với nước chấm sền sệt và cảm nhận đủ cái ngọt, chan chát, vị chua chua và béo ngậy hòa quyện, uống thêm ngụm rượu cây ủ lâu năm thì chỉ có trên cả tuyệt vời.
Mỗi loại lá lại tạo một mùi vị khác nhau nên tạo nên khẩu vị rất đa dạng (Ảnh ST)
Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau (Ảnh ST)
Măng nướng xào vếch bò
Không thể không thử món ăn đặc sản Tây Nguyên thơm ngon này khi bạn ghé Tây Nguyên bởi hương vị rất lạ, đã ăn mà thích thì sẽ rất ghiền đó. Vếch bò chính là lòng phèo của bò, vị hơi đắng và nặng mùi, sẽ thấy khó nuốt nếu không quen ăn, nhưng quen rồi thì thấy nó vừa giòn vừa dai, càng nhai lại càng thấy ngon, vếch bò xào với măng le, ăn cùng cơm trắng nóng hổi là tuyệt nhất.
Măng nướng xào vếch bò là món đặc sản của riêng người Ê đê ở đây (Ảnh ST)
Món ăn có đủ hương vị đặc trưng đắng, cay, ngọt, bùi (Ảnh ST)
Phở khô Gia Lai
Đặc điểm khi ăn món này là bạn sẽ có hai tô phở chứ không phải một tô như bình thường, bởi một tô là có phở trộn với hành phi, thịt băm, cà rốt, ớt xay, tô còn lại là nước dùng với thịt bò, bò viên và hành lá. Khác biệt hơn cả là khi bạn cho tương đen – loại tương lên men từ đậu nành và đường vàng do chuẩn người Gia Lai làm, trộn cùng với tô phở khô. Gắp một miếng phở khô rồi húp một ngụm nước lèo thì không còn thấy khô đâu mà chỉ thấy vị ngọt lịm trong miệng, cực kỳ hấp dẫn, Món này ăn kèm với các rau xà lách, giá đỗ, húng quế, ngò gai để tăng hương vị nhé!
Phở khô gồm 2 tô: tô phở trộn và tô nước lèo (Ảnh ST)
Ăn phở khô trước rồi húp một ngụm nước lèo và cảm nhận vị ngon ngọt của nó (Ảnh ST)
Rượu cần
Nhắc tới rượu cần – một món đặc sản vùng Tây Nguyên quen thuộc với hình ảnh mà chúng ta vẫn nhớ, đó là mọi người quây quần bên bếp lửa hồng trong gian nhà sàn ấm cúng, có nhiều ống cần để hút được đặt trong chum rượu để ở giữa. Rượu cần thực ra có rất nhiều loại: rượu thóc, rượu cơm hay rượu kê. Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong dịp chiêu đãi khách quý hay những dịp lễ hội ở các dân tộc Tây Nguyên, thể hiện sự mến khách, yêu thương nhau, đoàn kết của con người nơi đây.
Rượu cần có nồng độ nhẹ, rất thơm và có màu vàng như mật (Ảnh ST)
Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên thì rượu cần là một trong những nét đẹp đầy bản sắc (Ảnh ST)
Heo rẫy nướng
Heo rẫy nướng là món ăn mà bạn nên thưởng thức nếu không muốn tiếc nuối khi đến Tây Nguyên. Được người dân nuôi kiểu chăn thả tự nhiên nên thịt heo rất chắc và ngon hơn hẳn những loại thịt heo khác. Bạn sẽ thấy heo rẫy khác heo rừng ở chỗ da mỏng hơn, thịt chắc và ít mỡ lại cực kỳ mềm và ngọt thịt. Thịt heo giữ được màu óng ả mặc dù để lâu là do được phết một hỗn hợp soda, nước cốt chanh và mạch nha rồi mới đem đi nướng. Hai món phổ biến đó là heo rẫy nướng muối ớt ăn thịt ngọt hơn và heo rẫy nướng cao nguyên thì đậm đà gia vị hơn.
Heo rẫy sau khi nướng có màu vàng óng, bắt mắt (Ảnhh ST)
Heo được theo kiểu chăn thả tự nhiên nên thịt chắc và ngon hơn (Ảnh ST)
Bún đỏ Đắk Lắk
Bạn sẽ thấy sợi bún không có màu trắng như bình thường bởi nó được cho vào nồi nước dùng nấu từ xương heo, gạch cua và đặc biệt là hạt điều để có được màu đỏ bắt mắt như vậy. Những sợi bún to, dai giòn xì xụp cùng với gạch cua làm từ thịt cua, thịt lợn thái mỏng và tóp mỡ, trững cút luộc, có thêm chút rau cần, giá đỗ hay rau cải điểm màu xanh bắt mắt, cảm nhận hương vị hòa quyện, ấm lòng biết mấy.
Bún đỏ có tên gọi theo màu của sợi bún (Ảnh ST)
Bún đỏ không những ngon, đẹp mắt mà còn rẻ (Ảnh ST)
Cơm lam
Cơm lam là món đặc sản nổi tiếng nhất mà ai cũng biết khi nhắc tới Tây Nguyên bởi món ăn là sự tinh túy từ vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của ống nứa nơi đầu ngàn. Khi ăn bạn chỉ cần bỏ lớp nứa bên ngoài ra, cắt thành từng khúc và chấm với muối vừng là đủ để cảm nhận hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn rồi. Cơm lam được rất nhiều du khách mua làm quà vì ngon, giá cả lại phải chăng và rất tiện để đem về.
Cơm lam Tây Nguyên hay ăn cùng với gà nướng hoặc với heo xiên nướng (Ảnh ST)
Cơm lam là một món đặc sản không thể thiếu của núi rừng Tây nguyên (Ảnh ST)
Cà phê chồn
Nếu không nhắc đến cà phê chồn thì thật là một thiếu sót vô cùng lớn, cà phê Chồn là một món quà tặng vô cùng độc đáo và giá trị. Nếu người được tặng yêu thích cà phê thì đây chính xác là món quà tuyệt vời nhất, còn người chưa từng thử bao giờ, chỉ ngửi mùi cà phê sau khi pha là đã muốn thử ngay và luôn cho xem. Để làm ra được loại cà phê thì khá công phu nhưng bù lại bạn sẽ được thưởng thức loại cà phê hảo hạng nhất với hương vị đặc trưng không loại cà phê nào có được.
Một thức quà được nhiều du khách ưa thích (Ảnh ST)
Cà phê chồn có hương vị rất khác biệt với cà phê khác (Ảnh ST)
Bò một nắng
Đúng như tên gọi của nó, món ăn này được chế biến từ thịt bò tươi, thái thành những miếng mỏng và được tẩm ướp với nhiều loại gia vị khác nhau, sau đó được đem phơi dưới ánh nắng mặt trời nguyên một ngày rồi đem cất trữ, cái tên bò một nắng bắt nguồn từ đó. Khi thưởng thức bạn chỉ cần cho những miếng bò lên bếp than hồng nướng chín là có thể ăn được ngay. Món này ngoài làm quà bạn có thể mua về để tích trữ ăn dần bởi nó cực kỳ ngon, đã ăn một miếng rồi thì không thể dứt ra được đâu.
Sau khi mua về chỉ cần nướng trên bếp than hồng và thưởng thúc ngay là được (Ảnh ST)
Bò một nắng là một đặc sản Tây Nguyên nổi tiếng ai cũng biết mỗi khi nhắc tới vùng rừng núi này (Ảnh ST)
Thịt nai
Cùng với bò một nắng, thịt nai cũng là một trong những món ăn đặc sản rừng Tây Nguyên rất được ưa chuộng. Nếu thịt bò dai, nhiều gân thì thịt nai lại ít gân, mỡ màu trắng ngà và ăn thì cực kỳ mềm. Nếu ăn ngay tại đây thì những món ăn chế biến từ thịt nai rất đa dạng như nai xào lăn, nai nướng, nai lúc lắc, nai nhúng giấm, sườn nai rán,nai khô, cháo bao tử. Nhưng tiêu biểu nhất là các món nai nhúng giấm, nai nướng và nai khô được nhiều người ưa thích hơn cả. Nai khô rất thích hợp làm quà mang về vì gọn nhẹ, ăn còn ngon cực kỳ nữa chứ.
Thịt nai có thể chế biến được rất nhiều món hấp dẫn (Ảnh ST)
Nai khô ăn ngọt lịm chứ không béo ngậy như nai nướng (Ảnh ST)
Măng le
Vì là vùng rừng núi nên cây le có rất nhiều ở đây với độ phát tán rộng rãi, sức sống bền bỉ dẻo dai. Lấy măng le từ phần ngọn của cây để chế biến rất nhiều món ăn như gỏi măng trộn, măng le nấu thịt vịt, hầm giò heo hay măng le xào gan thì ngon tuyệt. Loại măng le có vị ngọt, bùi, không hề đắng chát, được xếp vào loại ngon nhất trong các loại măng tre, măng trúc đó.
Mua măng về làm quà rất tiện vì gọn nhẹ giá lại phải chăng (Ảnh ST)
Măng le có vị ngọt, bùi, không hề đắng chát (Ảnh ST)
Bơ sáp Đắk Lắk
Một loại bơ vô cùng ngon mà không bơ ở đâu có được bởi sự béo thơm và độ dẻo quánh khi thưởng thức. Một trái bơ sáp Đắk Lắk mà dầm làm sinh tố bơ, cộng thêm ít đường, ít sữa và ít đá để tăng hương vị thì bạn có thể chén bay trong một nốt nhạc với độ ngon của nó đấy. Ngoài ra bạn có thể ăn chung bơ sáp với bánh tráng (bánh đa) để cảm nhận vị ngọt béo hòa quyện cùng cái giòn giòn bùi bùi của bánh đa xem sao nhé, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ cho coi.
Bơ sáp mà dầm thì ngon tuyệt vời (Ảnh ST)
Bơ ngon bởi được trồng hợp với vùng đất đỏ bazan, có lớp cùi dầy, vàng và nhiều tỷ lệ bơ sáp (Ảnh ST)
Rau rừng
Nghe thì cũng chỉ thấy là một loại rau nào đó trồng trong rừng thôi, chả có gì đặc sắc thế mà nó lại có điều đặc biệt đó. Lúc đầu tưởng không có mùi vị gì nhưng khi luộc hay nấu, bạn sẽ thấy vị ngòn ngọt, giòn giòn, dù bị nấu quá lửa một chút thì cũng không bị nát. Ăn ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi chấm với mắm cua – loại mắm đặc sản chỉ có ở Gia Lai, nếu không có mắm cua thì thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam Bộ cũng vẫn được nhé.
Rau rừng luộc và xào tỏi là 2 món phổ biến nhất (Ảnh ST)
Rau rừng nấu quá lửa cũng không hề bị nát (Ảnh ST)
Lướt qua các đặc sản Tây Nguyên này thôi cũng đã khiến bạn thấy nao nao trong bụng rồi chứ, còn phải suy nghĩ gì nữa, hãy đến với vùng đất núi rừng thân thương này để tham quan ngắm nhìn những địa danh nổi tiếng cũng như trải nghiệm về ẩm thực đa dạng và con người thân thiện nơi đây nhé!
Theo VNtrip.vn