Mắm nhum Mỹ An, bánh xèo Mỹ Cang, bánh hỏi Diêu Trì... là những món bạn nhất định phải thử khi đến mảnh đất Bình Định này.
1. Cua huỳnh đế : là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh). Cua đế có bộ áo giáp dày và cng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao khác hẳn với các loại cua khác.
2. Bún chả cá Quy Nhơn : Điểm nhấn của món ăn là phần chả cá là được làm từ những cá thu thịt ngọt và phải quết sao cho miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải, cùng nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo, ngọt tự nhiên.
Bún chả cá. Ảnh: An Huỳnh.
3. Bún tôm Châu Trúc : không chỉ được nấu từ những con tôm tươi về mà còn phải tự làm bún để ăn kèm. Món bún này có vị thanh của nước dùng, ngọt của tôm, thơm của tiêu và giòn của bánh tráng.
4. Gié bò : là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò. Cách chế biến món ăn cầu kỳ và có nhiều gia vị lạ. Đây không phải là món dễ ăn.
5. Bánh hỏi Bình Định : ngon nhất là ở Diêu Trì (Tuy Phước). Bánh thưởng được ăn kèm vơi thịt nướng song nếu gọi món này ở Diêu Trì, bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món cháo và lòng.
6. Mắm nhum Mỹ An : Nhum có nhiều loại. Loại dùng để muối mắm là nhum ta, màu đen. Mắm nhum có cách chế biến đơn giản nhưng tốn nguyên liệu. Một 100 kg nhum sống chỉ làm được chưa tới 2 kg nước mắm. Đây cũng là lý do loại mắm này hiếm có khó tìm.
Nhum không chỉ dùng để nướng, chiên, mà còn có thể làm mắm. Ảnh: An Huỳnh.
7. Nem chợ Huyện : có vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn. Nem tươi đã ngon, nướng với than, ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt càng tuyệt.
8. Rượu Bàu Đá : có nồng độ rất cao, hơn 50 độ, uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền.
9. Bún Song thằn : sở dĩ có tên như thế vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Bún song thằn thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Tuy nhiên, trung bình 5 kg đậu chỉ làm thành 1 kg bún, nên món bún này có giá thành cao.
10. Bánh ít lá gai : là một loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột nếp và lá gai. Bánh khi ăn mềm, dẻo cùng vị ngọt vừa phải rất ngon miệng.
11. Bánh xèo Mỹ Cang : có các thành phần đều là đặc sản của địa phương. Gạo được xay từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông. Tôm là loại tôm đất sống nước lợ ở đầm Thị Nại. Nước chấm được pha chế từ nước mắm nguyên chất...
Bánh xèo Mỹ Cang. Ảnh: Tunt.N
12. Bánh dây : có nguồn gốc từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Bánh được làm từ bột gạo cũ (gạo thu hoạch từ nhiều tháng trước). Bánh dây ăn cùng dầu hẹ và đậu phộng giã nhỏ, chấm nước mắm pha chua ngọt.
13. Tré Bình Định : được tạo hình như những chiếc “cán chổi” nhỏ xíu. Đây là một trong những mồi nhậu của người dân bản địa khi uống rượu bầu đá. Nguyên liệu để làm nên tré là thịt tai, thịt đầu, thịt ba (heo) chỉ cùng với mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.
14. Gỏi cá chình : được chế biến khá công phu từ công đoạn chọn đến sơ chế và tẩm ướp gia vị. Món này ăn kèm bánh tráng nướng và nước mắm gừng.
15. Bánh tráng nước dừa : là một trong những đặc sản được nhiều người yêu thích và mua về làm quà mỗi khi ghé Bình Định. Điều đặc biệt là bánh tráng dừa chỉ ăn riêng chứ không dùng kèm các món khác như bánh tráng mè thông thường.
16. Bánh mì chấm pate : Một phần của món ăn này gồm bánh mì, nước sốt pate trộn mayonnesaie, bơ, rau sống và đồ chua. Đây là món ăn sáng yêu thích của hầu hết học sinh - sinh viên của vùng đất này.
Theo Linh San (Zing.vn)